Con người sẽ ăn côn trùng trong tương lai?
Đưa dế, ấu trùng, châu chấu vào miệng rồi nhai và nuốt. Việc ăn côn trùng nghe có vẻ rất kinh khủng nhưng chúng có thể sẽ trở thành nguồn thực phẩm chủ yếu của thế giới tương lai.
Bữa ăn này sẽ cung cấp cho bạn lượng sắt nhiều hơn gấp 4 lần, lượng đạm nhiều hơn gấp 3 lần cùng với nhiều vitamin và các khoáng chất thiết yếu khác so với những chiếc bánh mì, sinh tố, món trứng gia cầm hay thịt xông khói mà bạn đang ăn ở hiện tại. Và những bữa ăn như thế nên được phổ biến rộng rãi để góp phần vào công cuộc cứu lấy hành tinh xanh của chúng ta.
Nghe có vẻ khó nuốt và chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ từ chối ngay bữa ăn kinh dị này. Nhưng phải lấy làm tiếc để nói cho bạn nghe một sự thật, rằng nếu bạn đã từng ăn những thanh chocolate, những chiếc pizza hay món mì Spaghetti thơm ngon thì bạn đã ăn côn trùng rồi đấy.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép trong mỗi thanh chocolate có thể chứa nhiều hơn hoặc bằng 30 bộ phận của côn trùng hay lông của một vài loài gặm nhấm, hay có khoảng 2 con dòi trong một lon 480 ml sốt cà chua, sốt pizza, và mỗi khẩu phần mì Spaghetti 500 gram có tới 450 bộ phận côn trùng cùng 9 sợi lông của loài gặm nhấm.
Việc không để các sinh vật trên rơi vào thức ăn trong quá trình chế biến gần như là điều không thể, vì thế FDA gọi nó là khiếm khuyết trong quá trình này. Chúng ta đã ăn những sinh vật đó mà không hề hay biết. Nhưng đừng như vậy mà tránh né pizza hay mì Ý, vì chúng cũng có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm khác, kể cả bơ đậu phộng. Vậy tại sao chúng ta không chủ động ăn chúng và đồng thời giúp chống lại biến đổi khí hậu?
Côn trùng rất có lợi cho con người
Theo báo cáo của Global Market Insight, thị trường tiêu thụ côn trùng của Mỹ đã đạt 55 triệu USD vào năm 2017 và dự kiến đến năm 2024 con số này sẽ lên đến khoảng 80 triệu USD. Các nước Châu Âu cũng đang trên đà thực hiện điều này trong khi các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến đến năm 2025 tổng số tiền chi vào việc ăn côn trùng sẽ là 270 triệu USD.
Việc ăn côn trùng ngày càng trở nên phổ biến là do nhu cầu về lượng đạm chất lượng cao cùng với việc nói không với thực phẩm chế biến và lo ngại về tính bền vững trong nông nghiệp đang ngày càng tăng cao. Ngoài những điều đó, côn trùng vốn dĩ có lợi ích về sức khỏe cho con người.
Nhiều nền văn hóa và nhiều quốc gia đã biết đến điều này từ lâu. Theo báo cáo năm 2013 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi ngày có ít nhất 2 tỷ người trên thế giới ăn côn trùng. Jeff Tomberlin – nhà côn trùng học và người dẫn đầu chương trình khoa học tại Đại học Texas A&M nói: “Tôi đã ăn côn trùng ở nhiều quốc gia, trong số đó có mối, bọ cạp, ấu trùng bọ cánh cứng, châu chấu, tằm,... chúng là những món ăn rất phổ biến”.
Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm: “Món khoái khẩu của tôi là ấu trùng bọ cánh cứng. Tôi nhớ mình đã từng ăn món sâu tre rán và nó ngon không kém cạnh các món rán ở Pháp. Tôi cũng từng được phục vụ món khai vị là mối hun khói, nó chẳng khác gì đậu phộng, vị của nó rất giống bỏng ngô, chất béo của côn trùng có vị bơ còn chất kitin hay xác côn trùng có vị rất ngon và dễ chịu”.
Những loài côn trùng thường được ăn nhiều nhất trên thế giới là kiến, bọ cánh cứng, ong, sâu bướm, ve sầu, dế, chuồn chuồn, ruồi, bọ xít ăn lá, cào cào, bộ cánh vảy, mối mọt và ong bắp cày. Theo Đai học và Viện nghiên cứu Wageningen ở Hà Lan, có nhiều loài côn trùng mà chúng ta có thể chọn làm món ăn vì đã có hơn 2.100 loài côn trùng được công nhận là có thể ăn được trên hành tinh này, nhiều loài trong số đó thuộc nhóm những loài có vitamin, khoáng chất, chất béo và đạm tốt cho cơ thể con người.
Mối chúa chứa nhiều chất dinh dưỡng đến mức chúng được xem là món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng ở Uganda và Zambia. Hãy ăn sâu bột trong bữa ăn chính vì chúng chưa nhiều Omega 3, đạm, vitamin và khoáng chất hơn cá. Nếu như bạn ăn món bánh mì nướng làm từ bột dế thì cũng có nghĩa là bạn đang bổ sung cho cơ thể một lượng đạm hoàn chỉnh.
Đạm hoàn chỉnh trong dế cũng giống như đạm trong cá, thịt, trứng và sữa. Chúng chứa tất cả 9 loại axit amin cần thiết cho cơ thể để hình thành và hồi phục các mô đạm. Cơ thể chúng ta không tự tạo ra được các axit amin thiết yếu đó, vì thế ta phải cung cấp cho cơ thể bằng cách ăn và uống những thực phẩm có chứa các loại axit amin này.
Không chỉ dế, các loài côn trùng khác đều cung cấp một lượng đạm to lớn cho cơ thể. Chúng ta thử lấy sâu bướm Morpane là một ví dụ để chứng minh cho điều này. Có thể nói, sâu bướm Morpane là một trong những loài côn trùng được đánh giá cao và ăn đứt các loài côn trùng khác trên thế giới về lượng đạm mà chúng cung cấp cho một cơ thể.
Một con sâu bướm Morpane cung cấp từ 48% đến 61% đạm và loài sâu này cũng là một trong những nguồn cung cấp canxi, kẽm và sắt tuyệt vời nhất. Bên cạnh đó, hàm lượng chất béo mà sâu bướm Morpane cung cấp là từ 16% đến 20%, mà 40% trong đó là các axit béo cần thiết cho cơ thể. Chất béo có thể tạo ra lớp kem dày trong các công thức nấu ăn. Bạn vẫn còn nhớ món trứng khuấy béo ngậy mà tôi nói đến ở đầu bài chứ?
Côn trùng cũng giúp ‘giải cứu’ hành tinh
Điểm thu hút nhất của côn trùng để giúp nó có sức hấp dẫn với nhiều người đó chính là nó không được nuôi bằng khí metan độc hại như những loài khác. Đây thật sự là một điều tuyệt vời cho những ai muốn nuôi côn trùng để vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cho cơ thể, vừa bảo vệ môi trường.
Không chỉ bảo vệ tầng ozon khỏi nguy cơ bị tấn công, côn trùng còn góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nước toàn cầu bởi vì chúng không tiêu thụ nhiều nước. Ngoài ra, có thể nuôi côn trùng bằng chất thải hữu cơ và trong một không gian nhỏ, hẹp.
Một điều cuối cùng không thể bỏ qua đó là: Theo FAO, hơn 1/4 đất của Trái Đất được dùng để chăn thả gia súc, gia cầm và 1/3 diện tích hiện đang trồng các loại cây cung cấp thức ăn cho vật nuôi. Trong khi đó, côn trùng có thể được nuôi trong một cái lồng nhỏ và có thể xếp chồng lên nhau tạo thành những tháp côn trùng.
Ngoài ra, côn trùng thuộc loài máu lạnh nên chúng chỉ cần một ít năng lượng để giữ ấm, chúng cũng ăn ít thức ăn hơn các loài động vật. Theo nghiên cứu của FAO, dế tiêu thụ thức ăn ít hơn 12 lần so với gia súc, ít hơn 4 lần so với cừu và chỉ ăn 1/2 lượng thức ăn cần thiết cho lợn và gà nuôi lấy thịt để tạo ra cùng một lượng đạm.
Tomberlin cũng cho biết thêm: “Để dễ hình dung, cần 9 kg thức ăn để tạo ra 450 gram thịt bò, trong khi đó chỉ cần 1 kg thức ăn để tạo ra lượng đạm tương tự như thịt bò từ côn trùng. Một điểm cộng khác khi nuôi côn trùng đó chính là chúng có vòng đời ngắn. Trong khi nuôi côn trùng, bạn có thể nuôi một loài vật khác trong 6 tuần rồi đưa ra thị trường nhiều món cùng lúc”.
Báo cáo dân số của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,7 tỷ người. Nhìn lại tác động của biến đổi khí hậu, sự tàn phá thiên nhiên của con người, thật dễ để thấy rằng côn trùng sẽ sớm trở thành nguồn cung cấp đạm cho con người trong tương lai.