Con người thất bại trước tự nhiên, kinh tế Ấn Độ lao đao
Chỉ với một cây giáo trong tay để đề phòng nguy cơ bị hổ tấn công, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi leo lên núi Himalaya trong chiến dịch nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.
Theo Bloomberg, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ mở chiến dịch trên trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vật lộn với tình trạng lũ lụt, hạn hán và tăng trưởng hạ nhiệt.
Cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Nghiên cứu của Đại học Standford (Mỹ) cho biết quy mô nền kinh tế Ấn Độ nhỏ hơn 31% so với khả năng có thể đạt được nếu không có biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp - chiếm 16% GDP Ấn Độ - chững lại trong nhiều năm qua vì mưa lũ thất thường và hạn hán liên tục. Năm 2019, sản lượng đường của Ấn Độ có nguy cơ chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua do thiếu mưa ở một khu vực thuộc bang Maharashtra.
Lượng mưa giảm ở các vùng khác cũng ảnh hưởng đến các loại cây hạt dầu. Do sức ép từ thu nhập và tình trạng nông nghiệp thất thường do thời tiết, hàng nghìn người dân tại các vùng quê Ấn Độ bỏ làng lên phố.
Nông nghiệp chỉ còn chiếm 42% tổng số việc làm năm 2016, giảm mạnh so với mức 70% vào năm 1981.
Theo Bộ Môi trường Ấn Độ, tình trạng sa mạc hóa, thoái hóa đất đai và hạn hán cướp đi 2,5% GDP của nước này trong năm 2014 và 2015. Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng và tổn thất sản xuất tăng lên tương đương 8,5% GDP, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên, tổn thất trong sản xuất tương đương 8,5% GDP, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank). Báo cáo của Đại học Notre Dame cho thấy Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Hồi tháng 8, chính phủ Ấn Độ thừa nhận các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 9-10 tỷ USD/năm. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn từ năm 2020 cho tới hết thế kỷ.
Thủ tướng Modi đã đưa ra nhiều cam kết nhằm cải thiện môi trường ở Ấn Độ. Ông lập một bộ riêng để quản lý nguồn nước quốc gia, nỗ lực giảm ô nhiễm tại các thành phố lớn. Ông cũng chủ trương thúc đẩy sử dụng xe điện nhằm giảm ô nhiễm.