Con nhà giàu Trung Quốc bị ghét bỏ vì sống phô trương

Những đứa trẻ thuộc thế hệ giàu có thứ hai thích khoe túi hiệu, xe sang trở thành mục tiêu căm ghét khi khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng gia tăng trong xã hội.

Chen Ding, con trai của tỷ phú bất động sản Chen Mailin, gần đây gây chú ý khi khoe hóa đơn 4 triệu USD mua siêu xe Bugatti Chiron Pur Sport lên trang cá nhân. Số tiền này do cha anh chi trả.

Đầu năm nay, Annabel Yao, con gái của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, trở thành chủ đề bàn tán khi làm phim tài liệu 17 phút kể về "cuộc đời nhiều thăng trầm" của mình, theo SCMP.

"Tôi chưa bao giờ coi mình như một 'công chúa' ... Tôi nghĩ bản thân cũng như những người cùng tuổi. Tôi đã phải làm việc cật lực, học tập chăm chỉ để vào được trường tốt", Yao cho biết.

Chia sẻ về bộ phim trên tài khoản Weibo, con gái của tỷ phú Trung Quốc tuyên bố việc ký hợp đồng với một công ty giải trí là "món quà sinh nhật đặc biệt" mà cô tặng cho chính mình.

Tuy nhiên, nhiều người đã chế giễu đó chẳng qua là đặc quyền cô được hưởng khi có cha là một trong những người giàu nhất đất nước.

 Su Mang, cựu tổng biên tập của Harper's Bazaar Trung Quốc, bị chỉ trích vì phát ngôn về tiền ăn trên sóng truyền hình. Ảnh: GC Images.

Su Mang, cựu tổng biên tập của Harper's Bazaar Trung Quốc, bị chỉ trích vì phát ngôn về tiền ăn trên sóng truyền hình. Ảnh: GC Images.

Không lâu trước đó, Su Mang, cựu tổng biên tập của tạp chí Harper's Bazaar Trung Quốc, bị chỉ trích khi chê 650 NDT (100 USD) không đủ cho mình ăn uống thoải mái trong một ngày.

"Chúng tôi phải được ăn uống tốt hơn. Tôi không thể ăn với tiêu chuẩn thấp như vậy", Su Mang, người được biết đến với biệt danh "quý cô hàng hiệu của Trung Quốc", nói trong một chương trình truyền hình thực tế dành cho các rich kid.

Không xứng đáng

Trong nhiều năm qua, giới siêu giàu của Trung Quốc nổi tiếng là những người thích phô trương, khoe khoang từ xe sang cho đến túi hiệu. Những bức ảnh họ chia sẻ lên mạng từng khiến người theo dõi phải ghen tị.

Tuy nhiên, ngày nay bất kỳ hình thức phô trương sự giàu có nào, dù có chủ đích hay không, đều vấp phải sự coi thường, chán ghét.

Chen, Su và Yao, những đại diện của "fuerdai" (những đứa trẻ thuộc thế hệ giàu có thứ hai Trung Quốc), đang bị nhắm mục tiêu vì được cho không xứng đáng với những gì họ thừa hưởng từ cha mẹ.

 Annabel Yao bị chế giễu bước vào ngành giải trí nhờ tiền bạc của cha thay vì thực lực. Ảnh: annabelballerina.

Annabel Yao bị chế giễu bước vào ngành giải trí nhờ tiền bạc của cha thay vì thực lực. Ảnh: annabelballerina.

"Trong khi một ngày tôi chỉ dám tiêu 30 NDT, cô ta lại phàn nàn khoản tiền 650 NDT", một người dùng Weibo bình luận về câu chuyện của "quý cô hàng hiệu" Su Mang.

Còn dưới bài đăng khoe của từ Chen Ding, một số người cho biết chỉ riêng tiền thuế mua chiếc siêu xe cũng đủ để họ sống cả đời.

Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một nới rộng.

Trong khi thu nhập trung bình hàng năm là 32.189 NDT (5.000 USD), tương đương khoảng 2.682 NDT/tháng, theo Cục Thống kê Quốc gia, Bắc Kinh cũng trở thành nơi có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới.

Theo báo cáo của công ty Hurun Report, những người giàu của Trung Quốc đã kiếm được mức kỷ lục 1,5 tỷ USD vào năm 2020.

Tiến sĩ Jian Xu của Đại học Deakin, người nghiên cứu về truyền thông Trung Quốc, cho biết: "Khi so sánh với với các ngôi sao có công việc dường như 'dễ dàng', mọi người sẽ phàn nàn về việc họ đã làm việc chăm chỉ như thế nào nhưng chỉ kiếm được ít tiền ra sao".

Tiến sĩ Haiqing Yu, giáo sư nghiên cứu phương tiện truyền thông tại Đại học RMIT Melbourne, nói thêm: "Những câu chuyện khoe khoang gần đây của rich kid khiến mọi người tức giận vì họ muốn bóc trần sự bất công mà đất nước đang cố gắng che đậy".

Khoe khoang kiểu mới

Khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc gia tăng, những người thành thị có học thức giải thích việc phô trương sự giàu có là "thiếu tinh tế hay trưởng giả học làm sang", tiến sĩ John Osburg, tác giả cuốn sách Anxious Wealth: Money and Morality Among China's New Rich, nói với BBC.

"Đó là một nỗ lực đầy rủi ro", ông Osburg nói và cho biết thêm rằng phô trương cũng là biểu hiện của sự "bất an" về địa vị xã hội của một người.

Trong khi đó, tiến sĩ Yu lưu ý: "Một số người giàu hiện nay cố gắng phô trương một cách kín đáo, thay vì chỉ khoe những bức ảnh về của cải vật chất".

Tuy vậy, lối sống khoe khoang sẽ không dễ biến mất trong một sớm một chiều.

 Khách hàng xếp hàng dài để vào cửa hàng Gucci trong trung tâm mua sắm miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Khách hàng xếp hàng dài để vào cửa hàng Gucci trong trung tâm mua sắm miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xa xỉ cá nhân hàng đầu ở Châu Á Thái Bình Dương và dự kiến đến cuối năm nay đạt mức tăng trưởng doanh số ngang ngửa trước đại dịch.

Người có ảnh hưởng MengQiqi77 - nổi tiếng với lối sống xa hoa trên mạng xã hội - từng "phàn nàn" trên Weibo rằng không có đủ trạm sạc xe điện trong khu phố của cô.

"Vì vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn với gara riêng cho chiếc Tesla của chồng tôi", cô viết.

Một lần khác, cô nhận xét chồng mình "quá tiết kiệm" khi chọn mặc một bộ đồ vải cashmere của Zegna có giá "chỉ 30.000 NDT".

Tất nhiên, không lâu sau đó, những bài đăng như vậy vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.

Kể từ đó, thuật ngữ "Versailles literature" ra đời để chế giễu những bài đăng tương tự. Thuật ngữ này bắt nguồn từ truyện tranh Nhật Bản The Rose Of Versailles, ám chỉ cách khoe của ít phô trương hơn, bên ngoài tỏ thái độ thờ ơ với tiền bạc nhưng thực chất lại luôn bị ám ảnh bởi lối sống vật chất.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-nha-giau-trung-quoc-bi-ghet-bo-vi-song-pho-truong-post1267442.html