'Con nhà nghèo đi học': Dạy con biến hoàn cảnh thành động lực
Những tấm gương vượt khó thành công trong nhiều lĩnh vực chính là bài học cuộc sống sinh động nhất mà cha mẹ có thể dạy con khi mang tâm thế con nhà nghèo đi học.
Hiểu hoàn cảnh - tố chất thành công
Mặc cảm vì gia đình nghèo, học lớp 10 rồi mà muốn có cái điện thoại thông minh cũ chụp bài gửi cô cũng không có nên Oanh không dám đi chơi chung với bạn bè trong lớp - đa phần là con nhà khá giả.
Hoàn cảnh gia đình là một trong những lí do nảy sinh mặc cảm của những bạn tuổi như Oanh, đặc biệt là với các bạn điều kiện gia đình hạn chế. Nhiều em rơi vào bế tắc, chán nản, học hành chểnh mảng chỉ vì những suy nghĩ kiểu “sĩ hão”.
Chuyên gia tâm lý giáo dục gia đình Nguyễn Thu Hà - Cộng đồng Coaching Hạnh phúc chia sẻ rằng, nhiều cậu ấm, cô chiêu sống trong ấm no... trở nên bướng bỉnh, giận dỗi hay khóc. Thậm chí có em vì giận bố mẹ mà bỏ nhà đi, làm bất cứ việc gì để được thứ mình muốn. Thế nhưng, họ đâu biết rằng ở ngoài xã hội, ở xung quanh chúng ta hay thậm chí ngay cạnh nhà còn có những cảnh đời bất hạnh.
“Hãy giúp con hiểu hoàn cảnh chỉ chiếm 10% kết quả và sự thành công. Hầu hết những người xuất chúng trên thế giới có hoàn cảnh không thuận lợi, thậm chí rất khó khăn. “Kẻ nghèo nhất trong cuộc đời không phải là không có một đồng xu trong túi mà là kẻ không có nổi cho mình một ước mơ” và thiếu đi lòng biết ơn” – bà Nguyễn Thu Hà nói.
Trước khi đăng quang tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6, Lê Vũ Hoàng là “con nhà mồng tơi” thứ thiệt, cả nhà phải sống trong căn nhà tranh vách lá nhưng chưa bao giờ Hoàng mặc cảm vì điều đó. Chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà Hoàng có một quyết tâm phải học thật giỏi để thoát nghèo và giúp đỡ cha mẹ.
Còn theo TS Trần Thị Thu Hiền - giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, đúng là thực tế có những trẻ mặc cảm, xấu hổ về hoàn cảnh gia đình, không tự tin khi đến trường. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ giới trẻ có suy nghĩ tiêu cực “chê cha mẹ khó”.
Có thể dễ dàng nhận thấy những trẻ chê cha mẹ, gốc gác của mình thường thất bại trong học tập, trong công việc. Họ so sánh với bạn bè học giỏi hơn, có cha mẹ giàu có hơn và cho rằng vì cha mẹ bạn cung cấp điều kiện vật chất tốt hơn, có cơ hội hơn. Vì thế, họ quay sang oán trách cha mẹ vì nghèo khó. Tuy nhiên, điều này một phần do lỗi nuôi dạy của chính các bậc phụ huynh.
Biến hoàn cảnh thành động lực
Trong số những bài học về giá trị sống mà mỗi người đều được học từ trên ghế nhà trường có bài học lớn rút ra từ lời tâm sự của nữ nhà văn Mỹ Helen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”.
Chuyên gia tâm lý giáo dục gia đình Nguyễn Thu Hà cho rằng, con cái xấu hổ vì gốc gác bản thân hay cha mẹ nghèo khó là biểu hiện của sự không biết thích nghi hoàn cảnh gia đình. Điều đó một phần do lỗi giáo dục từ chính gia đình. Hiện nay, nhiều cha mẹ vì lo toan kinh tế mà không dành nhiều thời gian cho con.
Không ít trẻ không hiểu được nỗi vất vả, cực khổ của cha mẹ. Các em cũng không biết cách đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, tự chịu trách nhiệm về hành vi, về cuộc đời mình.
Do đó, để tránh một ngày con cái quay sang chán ghét cha mẹ, chê gốc gác của mình, chuyên gia Nguyễn Thu Hà cho rằng: Các cha mẹ cần dạy con biết yêu quý công sức của cha mẹ, biết lao động, hiểu được quá trình muốn cây kết hạt phải lao động vất vả. Và quan trọng là chịu trách nhiệm về bản thân, dù thành công hay thất bại cũng do mình chưa đủ nỗ lực.
Cha mẹ không cần phải giàu có nhưng cha mẹ phải là hình ảnh mà trẻ luôn mong muốn. Sự hi sinh của cha mẹ là hoàn toàn tự nguyện, là bản năng. Trẻ cần được nhen nhóm và khích lệ sự cố gắng vươn lên. Trẻ cần thấy gia đình luôn là điểm tựa. Hãy cho trẻ được tự hào về gia đình mình, tự hào về cha mẹ. Sống trong hoàn cảnh thật của gia đình, trẻ sẽ tự tin hơn.
“Trong mối quan hệ với bạn bè tại trường học hay bất cứ hoàn cảnh nào, cha mẹ hãy cho con thấy, sống thật và sẵn sàng thích nghi hoàn cảnh là thứ trang sức đẹp nhất. Nghèo vật chất không xấu. Hoàn cảnh đó là của gia đình, của bố mẹ. Cái giàu của bản thân con chính là những gì con học được và thể hiện được ở trường học – nơi tất cả học sinh đều công bằng trước kho kiến thức vô tận”, chuyên gia Nguyễn Thu Hà nhấn mạnh.
Cha mẹ hãy linh động cho trẻ thử nghiệm thử thách thông qua những hoạt động giáo dục mới thật sự quan trọng và đó cũng là nguyên tắc dạy con bản lĩnh trong cuộc sống. Cho con trải nghiệm để nhận ra rằng cuộc sống này muôn màu đa dạng, để cho trẻ cảm nhận được mình may mắn dù rằng cha mẹ không giàu nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên.
Theo TS Trần Thị Thu Hiền, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, bí quyết đầu tiên khi muốn con trở nên sống lạc quan, tự tin trong cuộc sống đó là hãy cho con tiếp xúc và làm quen với những người có tư duy, cách sống tích cực. Bởi vì bên cạnh những người này trẻ sẽ cảm nhận được sự nhiệt huyết, vui vẻ, thái độ sống nhã nhặn và luôn hướng về đích tươi sáng cuối cùng.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng, hoàn cảnh nào cũng chỉ là nhất thời, nỗ lực của con người đủ sức mạnh làm thay đổi tất cả. Thái độ sống của con hôm nay sẽ là chỉ báo cho những điều con nhận được trong tương lai”.
Con người không ai có thể lựa chọn cha mẹ cũng như hoàn cảnh mình sinh ra nhưng nếu được cha mẹ dạy cho biết cách thích nghi hoàn cảnh gia đình, cách tôn trọng những điều kiện cha mẹ có, những đứa trẻ ấy khi trưởng thành sẽ biết sống cuộc đời đầy ý nghĩa.
Khi “không chê cha mẹ khó”, những người con ấy càng thấy thương cha mẹ hơn, có động lực làm việc nhiều hơn để báo đáp công dưỡng dục và tương lai có cuộc sống hạnh phúc cùng đấng sinh thành. Những thành tích tốt ở trường cũng chính là cách con giúp bố mẹ bớt khoản chi phí cho học hành và con đang tích lũy làm vốn đầu tư cho tương lai.