Còn nhiều băn khoăn
Trung tuần tháng 6 vừa qua, lễ phát động cuộc Bình chọn Kịch bản văn học kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn... trong cả nước.
Theo đó, các kịch bản văn học đã được dàn dựng, công diễn trên sân khấu trong và ngoài nước để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng, bao gồm cả những kịch bản đã được nhận giải thưởng qua các thời kỳ đều có thể tham dự. Tuy nhiên, với một khối lượng tác phẩm đồ sộ, sáng tác ở phạm vi rộng như vậy, để chọn được đúng tác phẩm vinh danh là điều không dễ dàng.
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, kịch bản được bình chọn ở 2 thể loại: Kịch hát (bao gồm: chèo, tuồng, cải lương, ca kịch, bài chòi, ví dặm...) và kịch nói (gồm kịch thơ và kịch nói). Các tác phẩm có đề tài về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và hành trình 65 năm xây dựng, phát triển Điện Biên hôm nay.
Các tác phẩm phản ánh chân thực cuộc chiến đấu cùng những chiến thắng hào hùng, những hy sinh, tổn thất của dân tộc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và hành trình kháng chiến, giải phóng đất nước của QĐND Việt Nam; khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc. Những tác phẩm cho thấy Điện Biên hôm nay và QĐND Việt Nam đã và đang phát huy sức mạnh, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước Việt Nam phát triển ngày càng giàu mạnh.
Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận tác phẩm từ nay đến hết tháng 8 - 2019. Ban tổ chức sẽ chọn ra 15 tác phẩm ở các thể loại cho cả 2 mảng đề tài trên. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 - 2019.
Những nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn có mặt tại Lễ phát động cuộc bình chọn đều đánh giá đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nâng cao công tác quản lý và đẩy mạnh sự phát triển của văn học trong tình hình mới. Những kịch bản được chọn là mạch nối truyền thống với hiện đại, tạo đà cho sự phát triển văn học và sân khấu trong những năm tiếp theo.
Qua đó tiếp tục khơi dậy truyền thống, tinh thần yêu nước của dân tộc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và QĐND Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc. Hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc từng là đề tài lớn của văn học nghệ thuật. Đặc biệt với văn học, điện ảnh và sân khấu. Mỗi lĩnh vực đã có được khối lượng tác phẩm đồ sộ, mang đậm dấu ấn lịch sử và đạt đỉnh cao nghệ thuật.
Cũng vì lẽ đó, đây có thể coi như một cuộc bình chọn không hề dễ dàng với những người cầm cân nảy mực. Lịch sử sân khấu Việt Nam đã ghi dấu nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc được dàn dựng từ những kịch bản văn học có chất lượng. Ở đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ có những tác phẩm như "Mối tình Điện Biên" (chèo - Lưu Quang Vũ), "Ánh sao đầu núi" (Tào Mạt - Hoài Giao), "Thông Điệp Điện Biên" (Nguyễn Khắc Phục), "Bài ca Điện Biên" (Tất Đạt). Trong đó, "Bài ca Điện Biên" được coi là vở kịch lịch sử hoành tráng nhất từ trước đến nay với số lượng diễn viên tham gia gần 300 người được huy động từ nhiều đơn vị nghệ thuật.
Còn mảng sân khấu sáng tác và biểu diễn về hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ thì bên cạnh những tác phẩm của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp với những tác phẩm gây tiếng vang dư luận như Nguyễn Huy Tưởng với "Bắc Sơn", "Những người ở lại"... hay nhà viết kịch Lộng Chương với những vở kịch như "Du kích thôn đôi", "Trận đánh trong làng", Trần Đình Ngôn với "Mệnh lệnh thần kỳ"... và một loạt những tên tuổi như Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Tạ Xuyên, Chu Lai, Hà Đình Cẩn...
Đây là cuộc bình chọn rất có ý nghĩa với đời sống văn học nghệ thuật, tuy nhiên còn một số vấn đề mà báo chí cũng như các nhà chuyên môn tiếp tục tranh luận. Ở phần giải thưởng quy định "Trao cho đồng tác giả: tác giả kịch bản văn học và đạo diễn sân khấu", nhà viết kịch Trần Đình Ngôn giữ quan điểm: Đây là cuộc Bình chọn kịch bản văn học nên chỉ trao giải cho tác giả kịch bản, không nên trao cho đạo diễn. Ông cho rằng, công sức của đạo diễn đã được ghi nhận ở các Hội diễn sân khấu tổ chức hàng năm, vì vậy, khi xét trao giải kịch bản văn học nên loại yếu tố đạo diễn ra.
Ngoài ra, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cũng lo ngại: "Đây là một cuộc bình chọn lớn với nhiều tác phẩm, sáng tác trong một thời gian dài được đưa ra so sánh, vì vậy trong khoảng thời gian vài tháng có đủ để hội đồng thẩm định đọc và chấm giải không. Chưa nói tới việc sân khấu Việt Nam có nhiều tác phẩm có giá trị ở các thời điểm khác nhau, rất khó để đánh giá tác phẩm nào hơn tác phẩm nào?".
Cũng nhất trí với quan điểm của nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, nhà văn Chu Lai chia sẻ: "Tôi nổi tiếng là người "thâm canh", có rất nhiều năm hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực văn học, sân khấu và điện ảnh nên tôi hiểu 3 thể loại này và cũng yêu thương 3 thể loại này vô cùng. Theo tôi, kỳ này, hội đồng thẩm định nên loại đạo diễn ra khỏi cuộc bình chọn.
Mặc dù có những kịch bản chưa hay nhưng nhờ bàn tay đạo diễn nhào nặn nên tác phẩm sân khấu được huy chương Vàng, nhưng cũng có những kịch bản "rất ra gì" nhưng đạo diễn lại khiến nó biến mất luôn trong đời sống". Cũng theo nhà văn Chu Lai: "Tôi rất tâm đắc khi Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt tên là "Cuộc bình chọn", bởi nếu là "Cuộc thi" sẽ rất dễ thất bại. Tôi nhớ có cuộc thi phát động trước cả 2 năm nhưng đến khi vào thực hiện vẫn gặp nhiều trục trặc. Nếu bây giờ phát động cuộc thi thì phải 5 năm nữa mới mong có tác phẩm. Nhưng "bình chọn" tức là ta chọn cái có sẵn rồi. Tuy nhiên, tôi thấy đây là cuộc bình chọn rất nghiệt ngã vì 55 năm là biết bao binh đoàn tác giả xông pha, là hệ thống hàng nghìn tác phẩm... Vậy, phân biệt thế nào?
Ở đây, điều cốt lõi là chúng ta tôn vinh tác giả kịch bản, đề cao tính văn học của các tác phẩm. Tôi quan niệm, những người cầm cân nảy mực cần độc lập trong quan niệm, không nên bị những cái bóng quá lớn của các cây đa cây đề ảnh hưởng. Bởi gần đây có một số tác giả trẻ, có những vở kịch viết rất hay về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
Tôi cho rằng, chiến tranh cách mạng là một siêu đề tài. Nhân vật người lính là siêu nhân vật, càng khai thác, càng không thấy bến bờ. Khi chúng ta bình chọn cũng không chỉ nên thiên theo hướng anh hùng ca mà chú ý tới nỗi niềm thân phận trong cuộc chiến tranh thần thánh ấy". Đề cập tới cơ cấu giải thưởng, nhà văn Chu Lai cho rằng không nhất thiết phải ấn định 2 giải A, 4 giải B và 9 giải C như hiện nay mà nên tùy tình hình để trao giải. Mỗi loại hình nên có 1 giải A...
Tuy nhiên, ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lại nêu ý kiến: "Từng một thời gian làm quản lý một nhà hát chuyên dàn dựng các tác phẩm văn học để đưa lên sân khấu, tôi thấy mỗi tác phẩm sân khấu có tính lịch sử, tính thời khắc của nó và mang những hiệu ứng xã hội nhất định. Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng, các tác phẩm sân khấu ra đời trong các cuộc kháng chiến chỉ có tính hô hào khẩu hiệu.
Tôi cho rằng, không xét giải thưởng cho đạo diễn ở kịch bản văn học nhưng để tác phẩm sân khấu có được hiệu ứng xã hội cao, chắc chắn có công lao của đạo diễn. Nên chăng có những giải phụ ghi nhận công sức của đạo diễn. Vì nếu không có đạo diễn, thì kịch bản đó có thể vẫn nằm trong ngăn kéo hoặc không có hiệu ứng tốt như vậy". Ngoài ra, ông Trương Nhuận cũng thắc mắc: Nếu chỉ xét kịch bản văn học thuần túy thì những kịch bản có giá trị cùng về đề tài này nhưng chưa dàn dựng thì có được đưa vào xét giải hay không?
Những ý kiến đóng góp đa chiều của các văn nghệ sĩ, các nhà chuyên môn đã cho thấy cuộc bình chọn nhận được sự quan tâm của đông đảo người trong và ngoài ngành. NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ lắng nghe góp ý của các tác giả, đạo diễn... để có những điều chỉnh phù hợp. Hy vọng những tác phẩm, tác giả được vinh danh một cách xứng đáng, công bằng cũng như nhận được sự đồng thuận cao của các nhà chuyên môn.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/con-nhieu-ban-khoan-550097/