Còn nhiều băn khoăn về quy định tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đổi mới với tòa án cấp cao, tòa án tối cao, thành lập tòa án chuyên biệt cơ bản các ý kiến ủng hộ. Nhưng đổi tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm, tòa án huyện thành sơ thẩm thì còn ý kiến khác nhau.

Chiều 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Dự thảo luật đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự.

Phát biểu tại tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, không nước nào trên thế giới cho tòa thu thập chứng cứ. Việc này thuộc về các cơ quan tố tụng cả hình sự lẫn dân sự.

Trong nguyên tắc tố tụng tranh tụng thì tòa đứng giữa bảo đảm công bằng, khách quan, không nghiêng về bên nào. “Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan, không lẽ tòa án lại đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan nhà nước, bất lợi cho người dân?”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ chiều nay.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ chiều nay.

Về quy định tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, tức là đổi mới về tổ chức tòa án cấp tỉnh, huyện, Chánh án TAND Tối cao cho hay còn nhiều ý kiến băn khoăn. Đổi mới với tòa án cấp cao, tòa án tối cao, thành lập tòa án chuyên biệt cơ bản các ý kiến ủng hộ. Nhưng đổi tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm, tòa án huyện thành sơ thẩm thì còn ý kiến khác nhau.

Theo Nghị quyết 27 của Đảng về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử và theo Hiến pháp quy định 2 cấp là phúc thẩm, sơ thẩm. Trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm, tái thẩm. Chánh án thông tin trong lịch sử hình thành tòa án từ năm 1946 và ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 cũng đã có tòa án sơ thẩm, phúc thẩm.

Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia, chứ không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh. Việc tổ chức theo tỉnh, huyện có thể dễ ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính, không đảm bảo độc lập.

Theo ông, việc đổi tên tòa án tỉnh, huyện thành tòa án sơ thẩm, phúc thẩm không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác, các đạo luật cũng không phải sửa đổi gì.

Lý giải vì sao phúc thẩm vẫn xử các vụ sơ thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói những vụ án tham nhũng lớn, huyện chưa đủ năng lực nên đưa lên tỉnh xử. "Ở tỉnh vẫn chủ yếu xử phúc thẩm nhưng trong một số trường hợp luật giao, tỉnh vẫn xử sơ thẩm. Đây là do quy định của luật", ông Bình cho biết ở các nước, tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm chứ không chỉ xử giám đốc thẩm.

Chánh án nhìn nhận khi năng lực của tòa án sơ thẩm (tòa án huyện) tốt lên, sẽ hướng đến việc giao cho cấp sơ thẩm xét xử các vụ có mức án cao như chung thân, tử hình, tù trên 15 năm…

Hiện mỗi năm tòa án phải xét xử hơn 600.000 vụ án, trong khi tổng chỉ có 15.000 biên chế, dẫn đến tình trạng quá tải. Chánh án TAND Tối cao cho rằng khi sửa được điều này sẽ giúp giảm tình trạng trên.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, thẩm phán hiện đang chia thành nhiều cấp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc này đang gây ra "những điều cực kỳ khó khăn" cho công việc của thẩm phán, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào tòa án.

"Tôi nói thay tâm tư, nguyện vọng của gần 6.000 thẩm phán sơ thẩm, từ khi vào ngành, rèn luyện như thế, đến khi về hưu, nhận sổ, suốt đời làm thẩm phán sơ cấp, không được hưởng chế độ gì cả... Lần sửa đổi luật này đặt ra câu chuyện bỏ sơ thẩm, phúc thẩm, để thẩm phán có các bậc, cho họ phấn đấu theo con đường chuyên môn", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-nhieu-ban-khoan-ve-quy-dinh-to-chuc-toa-an-theo-tham-quyen-xet-xu-2213095.html