Còn nhiều bất đồng trong vấn đề cứu trợ nhân đạo tại Syria
Trải qua 4 vòng bỏ phiếu từ hôm 7-7 đến hôm 12-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) mới thông qua được nghị quyết gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới với Syria. Theo đó, nghị quyết này đồng thuận viện trợ cho Syria thêm 1 năm qua 1 cửa khẩu duy nhất.
Giới chuyên gia đánh giá, việc giảm điểm tiếp nhận hàng cứu trợ cho Syria xuống còn 1 thay vì 2 cửa khẩu như trước đây phản ánh sự khác biệt sâu sắc trong quan điểm giữa các bên tại HĐBA về cơ chế này.
Cuộc xung đột tại Syria nổ ra từ hồi 2011 hiện đã bước sang năm thứ 10, kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nêu rõ, vẫn còn tới 11 triệu người tại Syria cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có gần 5 triệu trẻ em. Ngày 12-7 vừa qua, HĐBA đã thông qua nghị quyết gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới với Syria thêm 1 năm (đến 10-7-2021) và qua 1 cửa khẩu là Bab al-Hawa dẫn tới tỉnh Idlib.
Euronews dẫn lời Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại Josep Borrell cùng Ủy viên EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho rằng, việc viện trợ là cấp thiết nhưng chỉ cho phép nối lại viện trợ cho Syria thông qua một cửa khẩu duy nhất sẽ phần nào cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ.
Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, tình trạng thiếu hụt lương thực, hàng hóa và y tế tại Syria càng khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Giới học giả đánh giá, khác biệt lớn giữa Mỹ/các nước phương Tây và Nga/Trung Quốc trong các vòng bỏ phiếu đã dẫn tới kết quả này.
Cụ thể, dự thảo do hai thành viên không thường trực của HĐBA chịu trách nhiệm về khía cạnh nhân đạo của hồ sơ Syria tại Liên Hợp Quốc là Đức và Bỉ đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Nghị quyết của Đức và Bỉ nêu rõ, duy trì hai cửa khẩu viện trợ hiện tại là Bab al-Hawa và Bab al-Salam qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria trong thời gian một năm, bởi nếu sự tuyệt vọng gia tăng ở Syria thì có thể dẫn đến các cuộc di cư hàng loạt...
Trái lại, cả Nga và Trung Quốc cùng quan điểm rằng, cải thiện tình hình nhân đạo chủ yếu là trách nhiệm của Chính phủ Syria và hơn hết phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nêu rõ quyết định đưa hàng viện trợ vào Syria mà không có sự chấp thuận của chính quyền Syria là vi phạm chủ quyền của nước này và áp đặt ý chí.
Ngoài ra, Trung Quốc phủ quyết vì các nước cho rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm liên quan tới đại dịch COVID-19 khiến người dân Syria có thể lâm vào thảm họa. Trung Quốc tuyên bố, Syria gặp khủng hoảng kinh tế và nhân đạo là do các biện pháp trừng phạt một chiều của Mỹ và phương Tây. Hiện tại, dù HĐBA đã thông qua được nghị quyết gia hạn viện trợ cho Syria nhưng nước này vẫn chưa đưa ra bất cứ một tuyên bố chính thức nào.
Nhận định về vấn đề trên, một số nhà phân tích cho hay, Nga là đồng minh thân cận của Syria và đã giúp chính quyền Syria giành lại tới hơn 95% quyền kiểm soát lãnh thổ trong 5 năm qua. Vì vậy, nếu Syria ủng hộ quan điểm của Nga cũng dễ hiểu, nhất là khi Chính phủ Syria không muốn tình hình trở nên phức tạp thêm, khi nguồn viện trợ có thể sẽ về tay lực lượng đối lập kiểm soát cửa khẩu mà chưa chắc tới được tay người dân.
Được biết, tại HĐBA, vấn đề Syria là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất với ít nhất 3 cuộc họp mỗi tháng. Vấn đề nhân đạo, nhất là việc gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria là chủ đề được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.
Đây là cơ chế được HĐBA thành lập vào năm 2014, cho phép các cơ quan hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc và các đối tác triển khai sử dụng các con đường dọc các tuyến xung đột và qua biên giới tại 4 cửa khẩu là Bab al-Salam, Bab al-Hawa (phía Tây Bắc, biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ), Al Yarubiyah (phía Đông Bắc, biên giới với Iraq) và Al-Ramtha (phía Tây Nam, biên giới với Jordan) mà chỉ cần thông báo trước đến chính quyền Syria, đồng thời thiết lập một cơ chế giám sát việc thực thi hoạt động chuyển hàng để đảm bảo mục đích.
Cơ chế này được gia hạn 1 năm 1 lần, tuy nhiên đến tháng 12-2019, quan điểm của các bên dần có sự khác biệt nên HĐBA chỉ nhất trí gia hạn cho phép sử dụng 2 cửa khẩu Bab al-Salam và Bab al-Hawa thêm 6 tháng. Đến nay, nghị quyết mà HĐBA thông qua chỉ gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới với Syria thêm 1 năm (đến 10-7-2021) và qua 1 cửa khẩu là Bab al-Hawa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ mọi nỗ lực cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các bên đối với Syria; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm hàng đầu của Chính phủ Syria trong vấn đề này và mong muốn các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Syria vượt qua khó khăn; khẳng định hoạt động nhân đạo cần tập trung vào cứu trợ người dân đang có nhu cầu khẩn cấp, hỗ trợ tiến trình chính trị, tái thiết, hòa giải; các hoạt động nhân đạo cần được triển khai trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Syria, phù hợp với nhu cầu của người dân, bảo đảm hàng cứu trợ được sử dụng đúng mục đích. Trên cơ sở lập trường đó, Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình tham vấn nghị quyết, khẳng định ủng hộ việc gia hạn cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu của người dân Syria, nỗ lực trao đổi để tìm giải pháp thu hẹp khác biệt giữa các bên, cố gắng đạt thỏa hiệp. Việt Nam đã bỏ phiếu thuận với các dự thảo của Bỉ/Đức và của Nga. Với các đề xuất sửa đổi, Việt Nam bỏ phiếu trắng với đề xuất sửa đổi đầu tiên của Nga do đề nghị giảm số cửa khẩu, làm thay đổi bản chất nội dung nghị quyết, khó được các nước ủng hộ (thực tế chỉ có Nga, Trung Quốc bỏ phiếu thuận), nhưng bỏ phiếu thuận các đề xuất sửa đổi sau đó của Nga, Trung Quốc với các nội dung phù hợp hơn.