Còn nhiều 'dư địa' để tiếp tục giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) của Việt Nam năm 2019 xếp thứ 79/141 nước, tăng 17 bậc so với năm 2018).
Việc nâng hạng đã đạt và xuất sắc vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều nội dung có thể tiếp tục cải cách để cắt giảm hơn nữa chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm cho thấy, các bộ đã đặc biệt quan tâm, chú trọng việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới. Ở địa phương, nhiều kết quả điển hình cũng được ghi nhận. Những nội dung cải cách của Việt Nam được nhóm chuyên gia Doing Business của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và được kiểm chứng lại trong quá trình điều tra, phân tích dữ liệu để đưa vào đánh giá, xếp hạng.
Đối với 02 chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp (gồm Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp), trong quý II năm 2019, Bộ Tư pháp đã báo cáo, để xuất giải pháp, trình Thủ tướng Chính phủ về việc nâng xếp hạng 02 chỉ số. Bộ tiếp tục tập trung phối hợp với TANDTC xác định các giải pháp cải thiện các chỉ số này.
Ở địa phương, một số kết quả điển hình trong thực hiện cải cách ở một số chỉ số môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, về Khởi sự kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, thủ tục này trải qua 8 bước và mất 17 ngày. Một số địa phương đẩy mạnh cải cách chỉ tiêu này theo hướng tích hợp các bước thủ tục và rút ngắn thời gian. Nhờ đó, số thủ tục và thời gian giảm đáng kể như số thủ tục giảm còn 5 bước; thời gian còn 5 ngày (tại Đồng Tháp), 8 ngày (Quảng Ninh)…
Về Tiếp cận điện năng, Nghị quyết số 02 đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện thủ tục này xuống còn 35 ngày. Ở một số địa phương, thực tiễn đạt hiệu quả cao hơn như Quảng Ninh, Ninh Thuận (24 ngày), Đồng Tháp (27 ngày)… Về Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Nghị quyết 02 đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện thủ tục này xuống dưới 120 ngày. Một số tỉnh, thành phố (như Quảng Ninh) thực hiện dưới 52 ngày.
Tuy nhiên, nhiệm vụ cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.
Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết.
Hay một ví dụ khác, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về quản lý kinh doanh rượu quy định thương nhân muốn nhập khẩu rượu trực tiếp phải có giấy phép phân phối rượu. Nhưng mỗi lần muốn nhập thêm rượu từ một nhà cung cấp mới, doanh nghiệp lại phải làm thêm thủ tục xin Bộ Công Thương cho cấp sửa đổi bổ sung. Yêu cầu này không có ý nghĩa về quản lý nhà nước mà lại tạo ra rào cản khó khăn cho doanh nghiệp…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước...