Còn nhiều hạn chế trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM gắn với Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính đã được đại đa số đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nhân dân ủng hộ. Sau sắp xếp các đơn vị hành chính đã đi vào hoạt động ổn định. TP Thủ Đức cũng đã ổn định bộ máy và đồng thời đã chủ động rà soát, nghiên cứu các quy định để đề xuất các nội dung phân cấp, ủy quyền từ TP.HCM và các vấn đề đề xuất Trung ương để có những điều chỉnh, chỉ đạo triển khai phù hợp.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại TPHCM còn nhiều bất cập (ảnh minh họa: H.K)

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại TPHCM còn nhiều bất cập (ảnh minh họa: H.K)

Ngoài ra việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính của 9 phường thực hiện Nghị quyết 1111 đã đáp ứng yêu cầu về sự phát triển KT – XH, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện để xây dựng bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm ngân sách…

Bên cạnh đó, chủ trương sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu quả”).

Việc xây dựng các văn bản triển khai thực hiện của Trung ương còn chậm, dẫn đến khó khăn, lúng túng khi tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương, đặc biệt là yêu cầu về tiến độ, thời gian hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính. Một số Bộ, ngành chậm hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khi thay đổi đơn vị hành chính.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới thành lập gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với cấp xã do số lượng cán bộ, công chức tăng cơ học khi thực hiện sáp nhập, lại vừa thực hiện giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị định số 34 của Chính phủ càng làm tăng thêm áp lực lên hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức các cấp. Ngoài ra, theo quy định các chức danh cán bộ chủ chốt chỉ do 1 người đảm trách, nên khi sáp nhập 2 hoặc 3 đơn vị hành chính thành 1 đơn vị hành chính mới thì việc bố trí cán bộ gặp khó khăn, đặc biệt là số cán bộ trẻ. Việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn lúng túng do lần đầu thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính có tính chất đại trà.

Đối với các phường sắp xếp, thành lập mới, do cùng thực hiện Nghị quyết 1111 và Nghị quyết 131 nên công tác quản lý, điều hành ngân sách không đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương do phường không còn là một cấp ngân sách (theo quy định tại Nghị quyết số 131). Nếu có phát sinh nhiệm vụ chi ngoài dự toán, phải chờ HĐND Thành phố thông qua trong kỳ họp gần nhất. Từ đó không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác; làm cản trở năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Riêng đối với TP Thủ Đức, qua thực tiễn của quá trình vận hành theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của TP Thủ Đức. Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức mặc dù được lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, nhất là việc hỗ trợ về nguồn lực để chuẩn bị cho việc thực hiện các nội dung dự kiến phân cấp, ủy quyền; công tác phối kết hợp với các sở, ngành Thành phố tuy được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhưng tính hiệu quả vẫn chưa cao, nhất là trong việc mạnh dạn phân cấp các nội dung có tính chất quan trọng, đột phá cho TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức cũng chưa có được sự chủ động về nguồn lực để phát triển như định hướng và mục tiêu đã hoạch định, các nguồn thu chiếm tỷ lệ cao không thuộc thẩm quyền của địa phương như: thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển; tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương từ hoạt động nguồn thu thuế Công thương nghiệp chiếm tỷ lệ cao chỉ 18%; nguồn thu được để lại cho địa phương cân đối 100% chiếm khoản 5% trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước,... Sự hạn chế về nguồn lực đã kéo theo sự hạn chế về tính chủ động trong việc sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển địa phương, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tính hấp dẫn cũng như tốc độ phát triển chung của Thành phố.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/con-nhieu-han-che-trong-thuc-hien-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-tphcm-post1030738.vov