Còn nhiều hướng phát triển khi học sinh trượt lớp 10
Nhiều phụ huynh tìm đến các trường ngoài công lập, trường quốc tế, trường nghề đăng ký học cho con.
Còn nhiều lựa chọn
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 96.000 thí sinh dự thi lớp 10 năm học 2023-2024. Nhưng các trường trung học phổ thông công lập chỉ tuyển 70% trong số này. Như vậy, thành phố có 19.000 học sinh (nếu tính cả số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 10 thì khoảng 33.000 học sinh) không được vào các trường công lập.
Theo Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh), năm học 2023-2024, hệ giáo dục thường xuyên dành hơn 11.000 chỗ học để đón học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở. Hiện, thành phố có 22 trung tâm giáo dục thường xuyên, rải đều ở các quận, huyện, bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
Đơn cử, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) vừa dạy văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa dạy nghề miễn phí cho học viên, gồm các nghề: Điều dưỡng, chế biến thực phẩm, chăm sóc sắc đẹp, tạo mẫu; hướng dẫn viên du lịch; tin học ứng dụng; kế toán...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Giáo dục phổ thông (Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trường dạy theo chương trình giáo dục thường xuyên. Năm học 2023-2024, trường tuyển 500 chỉ tiêu lớp 10. Thời gian qua, khá nhiều phụ huynh liên hệ tìm hiểu cho con.
“Học phí trung bình một năm khoảng 21 triệu đồng cho tất cả khoản đóng góp, bao gồm cả học tăng tiết, học Anh văn với người nước ngoài. Một học kỳ sẽ học 7-9 môn tùy theo tổ hợp môn các em chọn lựa. Mỗi tuần các em sẽ có 3-4 ngày, học hai buổi/ngày”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả thông tin.
Còn bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hồng Hà (trường dân lập tại quận Gò Vấp) cho biết, năm nay trường có 800 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Hiện tại, các cơ sở của trường tại quận Tân Bình và quận Gò Vấp đã tuyển gần 90% chỉ tiêu.
Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường có đào tạo hệ 9+ (vừa học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên, vừa học trung cấp nghề).
Đơn cử, tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (dạy trung cấp ngay sau khi hết lớp 9), học sinh sẽ được đào tạo song song chương trình văn hóa trung học phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) và trung cấp nghề. Như vậy, sau 2,5 năm, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận hoàn chỉnh chương trình văn hóa trung học phổ thông và bằng trung cấp, có thể tham gia ngay thị trường lao động hoặc học tiếp lên cao đẳng, đại học.
Không thiếu chỗ học
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay việc dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định rõ ràng và triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, tạo thêm thuận lợi cho người học khi vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố hiện có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, có hơn 250.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.