Còn nhiều khó khăn trong cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là hình thức người cai nghiện sống cùng gia đình, có tâm lý thoải mái hơn, từ đó, có động lực và quyết tâm cai nghiện thành công. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện mô hình này trên địa bàn tỉnh cho thấy, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả cao.

Cán bộ thương binh xã hội phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng sau cai nghiện thực hiện các biện pháp phòng tránh để không tái nghiện. Ảnh: Trà Hương

Cán bộ thương binh xã hội phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng sau cai nghiện thực hiện các biện pháp phòng tránh để không tái nghiện. Ảnh: Trà Hương

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.200 người nghiện ma túy, trong đó, 516 người đang cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện tập trung; hơn 1.800 người cai nghiện ngoài cộng đồng.

Thực hiện Nghị định 94 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, 10 năm qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; xây dựng kế hoạch triển khai cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Đến nay, có 133/136 xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Trong đó, có 91 xã, phường, thị trấn tổ chức cai nghiện tại gia đình với tổng số 326 lượt; hơn 1.100 người khai báo, đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Trong quá trình các đối tượng cai nghiện tại gia đình, thành viên của tổ công tác thường xuyên phối hợp với gia đình đối tượng để hướng dẫn, điều trị cắt cơn, sử dụng thuốc thay thế methadone; xây dựng chế độ dinh dưỡng, tăng cường thể lực, thể trạng, biện pháp xử lý mỗi khi thèm, nhớ ma túy; hướng dẫn các gia đình ngăn ngừa các đối tượng xấu tiếp cận, rủ rê.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương xây dựng điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc; xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương; xã Lãng Công, huyện Sông Lô; phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên… tổ chức các hoạt động tư vấn chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện.

Nhờ vậy, đã có hơn 1.000 người được cai nghiện ma túy, 32 người nghiện được dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm ổn định cuộc sống và 6 người được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 230 triệu đồng.

Tuy nhiên, do thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ kéo dài 6 tháng, trong đó thời gian cắt cơn chỉ từ 7-10 ngày, nên tỷ lệ tái nghiện còn cao. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tỷ lệ tái nghiện sau 1 năm là 50%, sau 3 năm là 85%, sau 5 năm là 90%, sau 10 năm 95%.

Thực tế, gia đình có người sử dụng ma túy còn thiếu hiểu biết về quy trình điều trị bệnh, nên không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, cho đối tượng uống thuốc không đúng cách; thậm chí còn buông lỏng quản lý, giấu tình trạng của người nghiện khiến việc cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hoạt động cai nghiện ma túy ở các xã, phường, thị trấn mới chủ yếu ở khâu tuyên truyền, vận động, chưa có sự rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai nghiện cho từng đối tượng.

Cơ sở y tế cấp xã, phường chưa đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế để thực hiện cai nghiện cộng đồng...

Cùng với đó, công tác quản lý, hướng nghiệp, tạo việc làm cho người sau cai nghiện chưa có chính sách cụ thể, chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo... dẫn đến người sau cai nghiện không có việc làm, nảy sinh tâm lý dễ chán nản và quay lại với ma túy.

2 năm trở lại đây, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, các hoạt động hỗ trợ cai nghiện tại nhà gặp nhiều khó khăn hơn. Các thành viên của tổ công tác phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn; trong đó, lực lượng công an, y tế phải thực hiện hỗ trợ phòng, chống dịch nên chưa quản lý, theo dõi thường xuyên các đối tượng đang thực hiện cai nghiện.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, Sở LĐ-TB&XH đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với nhân viên y tế cơ sở cai nghiện trực tiếp về các địa phương hướng dẫn các tổ công tác triển khai các hoạt động tư vấn, khám sàng lọc, điều trị cho người nghiện ma túy; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy cho các hộ gia đình có người nghiện.

Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng để tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy; kịp thời đề xuất với tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển kinh tế... để người nghiện có điều kiện ổn định cuộc sống, quyết tâm hơn trong việc cai nghiện, từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

Hương Giang

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/71551/con-nhieu-kho-khan-trong-cai-nghien-ma-tuy-tai-gia-dinh-va-cong-dong.html