Còn nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy
Dù nhiều lần được gia đình cho đi cai nghiện tự nguyện, tham gia điều trị cai nghiện bằng uống thuốc Methadone trong một thời gian dài, nhưng Nguyễn Văn H. ở phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) vẫn chưa cai nghiện thành công, thậm chí còn tái nghiện với mức độ sử dụng ma túy ngày càng tăng...
Đó là một trong những người nghiện ma túy (NNMT) sau thời gian điều trị cai nghiện ma túy trở về địa phương tiếp tục tái nghiện. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm, chú trọng công tác cai nghiện và quản lý NNMT, tuy vậy hiệu quả còn thấp. Số người tái nghiện sau khi cai nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cái chính là chúng ta vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho NNMT sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, để họ có thể tự lo cuộc sống của bản thân. Thêm nữa, công tác quản lý NNMT ngoài cộng đồng vẫn còn có một số mặt hạn chế nhất định.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm ma túy mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, góp phần làm gia tăng số NNMT thời gian qua. Theo thiếu tá Bùi Tiến Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), thời gian qua, công tác đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy được triển khai hiệu quả. Cùng với đó, công tác giải quyết các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm phức tạp về ma túy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm tình hình vẫn còn 22 điểm bán lẻ ma túy phức tạp được các đơn vị chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá. Ngoài ra, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) nhiều dạng, nhiều loại, nhất là đối tượng độ tuổi thanh niên diễn ra nhiều, khó kiểm soát đã góp phần làm gia tăng số NNMT. Một yếu tố nữa góp phần làm gia tăng số NNMT là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số người đi làm xa ở các tỉnh khác nghiện ma túy không có việc làm trở về địa phương sinh sống.
Theo thống kê của lực lượng chức năng, tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh có 2.010 NNMT, tăng 105 người so với năm 2020 (2.010/1.905 người). Trong đó, có 1.578 NNMT ngoài cộng đồng, tăng 92 người so với năm 2020 (1.578/1.486 người), có ở 120/151 xã, phường, thị trấn, tăng 6 xã so với năm 2020 (120/114 xã, phường, thị trấn); 139 NNMT ở trại tạm giam, nhà tạm giữ, 293 NNMT trong các cơ sở cai nghiện. Qua theo dõi, thống kê có 353 trường hợp nghiện MTTH, tập trung chủ yếu trong lứa tuổi thanh niên. Hiện, các cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức quản lý, cai nghiện cho 518 NNMT (bắt buộc: 399, tự nguyện: 119).
Từ thực tế này, theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, để giải quyết vấn đề NNMT và giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy sau cai là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, có thể giải quyết được nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, tăng cường các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp để Nhân dân hiểu rõ, giúp đỡ, phối hợp với các ngành, các cấp, lực lượng chức năng trong việc quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở. Đồng thời, làm tốt công tác vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác cảm hóa, giáo dục đối tượng, hướng nghiệp, tạo điều kiện để các đối tượng sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Các địa phương cần phải tổ chức tốt việc hỗ trợ người sau cai nghiện, lấy thôn, xóm, khu dân cư và gia đình làm trung tâm trong quản lý, giáo dục NNMT và người sau cai nghiện trở về địa phương. Thực tiễn cho thấy, nơi nào làm tốt vấn đề này thì công tác quản lý, giáo dục NNMT, sau cai nghiện đạt hiệu quả cao, có thể kể đến một số địa phương như: Thị trấn Bo (Kim Bôi), phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình), xã Nhuận Trạch (Lương Sơn)...