Còn nhiều khó khăn trong mở lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Đắk Glong là địa phương có tỷ lệ người mù chữ lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, ngành giáo dục huyện này đã tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ, trong đó có nhiều lớp học được triển khai từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
U60 đến trường tìm "con chữ"
Chiếc điện thoại thông minh của bà Triệu Mùi Gỉn ở thôn 4, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) liên tục đổ chuông trước khi vào lớp học. Người phụ nữ 58 tuổi khẽ vuốt màn hình rồi trò chuyện với người phía bên kia đầu dây.
Không biết chữ, lại kèm nhèm vì mắt kém, thế nhưng mọi thao tác trên điện thoại, lại được bà Gỉn thực hiện thành thạo và chính xác mà không gặp bất cứ một trở ngại nào.
“Trước đây, chúng tôi chưa một lần đi học, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ, đến giấy khai sinh cho mấy đứa con, vợ chồng tôi cũng phải nhờ người viết giúp. Bữa nay được đi học, biết chữ, tự viết được nên sung sướng lắm, cứ như mình trẻ ra vài chục tuổi”, bà Triệu Mùi Gỉn phấn khởi chia sẻ kết quả sau 2 đợt tham gia lớp xóa mù chữ.
Bà Gỉn cho biết, hai năm trước bà đã tham gia lớp xóa mù chữ, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau khi hoàn thành khóa học đầu tiên, bà và nhiều học viên khác cũng phải tạm dừng đến lớp để phòng, chống dịch.
Đến nay, sau hơn 1 năm mới quay lại lớp học lớp xóa mù chữ do Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha tổ chức, vốn kiến thức tích lũy từ khóa học trước cũng đã rơi rụng ít nhiều nên bà tích cực đến lớp tìm “cái chữ”.
Theo Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ xã Đắk Ha, năm 2022, địa phương này đã mở được lớp học xóa mù chữ dành cho các học viên từ 16-65 tuổi trên địa bàn xã.
Tất cả học viên là người dân tộc thiểu số, xưa nay chỉ quen với công việc nương rẫy và rất ít người có đủ khả năng viết được tên của mình. Không biết chữ, khiến người dân gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, hạn chế trong phát triển kinh tế gia đình và chăm lo, dạy bảo con cái.
Nhân rộng mô hình xóa mù chữ
Huyện Đắk Glong có 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Theo thống kê, tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn còn chiếm hơn 15% (khoảng trên 7.220 người) trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi.
Theo ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đắk Glong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người mù chữ trên địa bàn còn cao.
Cụ thể, người dân là đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông sinh sống rải rác vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên nhiều trường hợp ngại đến trường và bỏ học.
Hiện nay, các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, môi trường vui chơi, học tập cho học sinh còn hạn chế.
Nhiều hộ gia đình chuyển chỗ ở để làm kinh tế, gây khó khăn trong theo dõi, cập nhật, quản lý đối tượng phổ cập và vận động tham gia các lớp phổ thông, xóa mù chữ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong cũng nhìn nhận, trung tâm học tập cộng đồng và các trường học chưa phát huy tốt việc tuyên truyền, vận động người dân mù chữ đăng ký học. Đội ngũ giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả. Kinh phí còn hạn chế, nên khó khăn trong công tác mở các lớp xóa mù chữ.
Là huyện có tỷ lệ người mù chữ cao nhất tại Đắk Nông, theo ông Thành, riêng năm 2022, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện Đắk Glong mở 17 lớp xóa mù chữ; trong đó có 7 lớp theo hình thức xã hội hóa. Các lớp học thu hút đông người dân tham gia, thậm chí cả những người cao tuổi.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ xóa mù chữ, ông Lê Đại Thành cho rằng, giải pháp dài hơi là địa phương tập trung thực hiện tốt công tác vận động học sinh đi học, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Trong đó, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, phòng chỉ đạo các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để không chỉ phát triển năng lực mà còn tạo động lực để học sinh tích cực hơn trong học tập.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ.
Thời gian tới, các ngành, địa phương tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội…