Còn nhiều khó khăn và thách thức
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính là công cụ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh do có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường của các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cả doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý.
Quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi theo CPTPP được quy định tại Chương 3 Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Theo quy định tại Điều 3.20, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nhà nhập khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi tại quốc gia nhập khẩu dựa trên chứng nhận xuất xứ được thực hiện bởi nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu. Điều này đã được nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT của Bộ Công thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có hiệu lực ngày 8-3-2019 sau đó sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 06/2020/TT-BCT.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội: Hình thức tự chứng nhận xuất xứ được quy định tại Hiệp định là một hệ thống có phạm vi mở rộng nhất, cho phép cả nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hình thức này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức, bảo đảm minh bạch, ngăn chặn tối đa gian lận và chứng nhận xuất xứ không hợp lệ với mục đích hưởng ưu đãi thuế quan.
Tuy nhiên, các yêu cầu của hiệp định để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ tại các quốc gia thành viên là không hề đơn giản, đặc biệt đòi hỏi năng lực rất cao của cán bộ hải quan, năng lực của nhân viên trong các DN cũng như khả năng xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn của các DN xuất nhập khẩu. Việt Nam cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật để thực hiện cơ chế xác minh xuất xứ một cách bảo đảm, giúp phát hiện được các gian lận về thuế quan khi hàng hóa được nhập khẩu vào, tránh gian lận về thuế quan dẫn tới thất thu ngân sách nhà nước.
Bà Dương Thị Trâm, chuyên viên Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa áp dụng cho đối tượng là nhà nhập khẩu đủ điều kiện để tự tuyên bố xuất xứ. Khi tham gia CPTPP chúng ta đã bảo lưu cơ chế này. Theo đó sẽ chia làm hai mốc thời gian: Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Mexico, Peru được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với hàng xuất khẩu, các nước (trong đó có Việt Nam) có thể áp dụng song song hai hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ: Cấp qua giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) bởi cơ quan có thẩm quyền theo cách đang áp dụng và cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa. Như vậy, với hàng xuất khẩu tổng cộng là 10 năm nếu có gia hạn.
Có thể thấy, việc tự tuyên bố xuất xứ hàng hóa sẽ giúp DN xuất khẩu chủ động các thủ tục liên quan đến C/O, không mất thời gian chờ đợi và chi phí đi lại. Tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi việc một số DN có thể lợi dụng điểm này để gian lận trong xuất xứ hàng hóa nhất là sản phẩm của nước ngoài chỉ gia công đơn giản tại Việt Nam (lắp ghép, đóng gói) nhằm mượn xuất xứ Việt Nam. Việc này sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực khi nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ như tạm dừng ưu đãi thuế quan đối với cả ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Theo quy định tại Điều 3.27 CPTPP, khi một doanh nghiệp bị phát hiện gian lận về chứng nhận xuất xứ đối với một loại hàng hóa, CPTPP còn cho phép các quốc gia thành viên có thể áp dụng biện pháp từ chối cho hưởng ưu đãi với các hàng hóa tương tự đến từ quốc gia xuất khẩu chứ không chỉ riêng đối với doanh nghiệp đó, gây thiệt hại cho toàn bộ một ngành sản xuất của Việt Nam. Đồng thời, chế tài xử phạt liên quan tuyên bố xuất xứ sai ở Việt Nam hiện nay quá nhẹ so với giá trị lợi nhuận mà DN có thể được hưởng. Đây có thể là lỗ hổng dễ dẫn đến gian lận khi áp dụng cơ chế tự tuyên bố xuất xứ hàng hóa.
Bởi vậy, bên cạnh việc xây dựng hệ thống chính sách toàn diện, chặt chẽ các DN cần nâng cao khả năng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, củng cố hệ thống lưu trữ dữ liệu để tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/con-nhieu-kho-khan-va-thach-thuc-622867