Còn nhiều 'rào cản' trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Tĩnh
Trong số gần 12 ngàn lượt cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm được kiểm tra từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 462 cơ sở với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'...
Bởi, trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi nhuận nên “phù phép” để che mắt đoàn kiểm tra và người tiêu dùng.
Hậu quả do thực phẩm “bẩn” mang lại từ đầu năm đến nay là trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, với 83 người mắc. Ngoài ra, số ca ngộ độc đơn lẻ là khoảng trên 1.350 ca.
Theo bác sỹ Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh, khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các hộ sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trong khi hiện nay các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách mà đang kiêm nhiệm, năng lực giám sát chất lượng ATTP còn hạn chế. Đối với cấp tỉnh hiện chưa có các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn nên việc phân tích, xử lý kết quả còn chậm so với yêu cầu.
Ngoài ra, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ nhiều và thường xuyên biến động; trong khi theo quy định thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lại không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mặt khác, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lại chưa rõ ràng khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Đơn cử như Hương Khê là địa bàn rộng, địa hình rừng núi nên việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất và chế biến gặp nhiều khó khăn.
Theo bác sỹ Nguyễn Quốc Tuệ - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, do đó hầu hết chưa thực hiện tốt các quy định về VSATTP. Trong khi đó, một số ban chỉ đạo cấp xã chưa quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai chỉ mang tính hình thức.
Một số đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến xã, thị trấn chưa đủ mạnh, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý còn yếu nên trong quá trình thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu là nhắc nhở, chưa đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng mức nên không có tính răn đe.
Còn tại huyện Lộc Hà hiện có 712 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 26 cơ sở thu mua hải sản, 17 cơ sở chế biến nước mắm, ruốc. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, yếu nên việc thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhất là trong lĩnh vực hải sản đang gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, ngoài việc đồng bộ về máy móc, phương tiện, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thì việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng trong quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Duy Quang