Còn nhiều tâm tư khi cấm dạy thêm thu tiền trong trường
Các nhà trường chỉ được dạy thêm không thu tiền và chỉ dành cho 3 nhóm học sinh, nhiều phụ huynh lo ngại con không có chỗ học thêm, trong khi nhà trường băn khoăn kinh phí.
Nghe tin mới có quy định cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường, chị Đàm Thúy - phụ huynh có con học lớp 7 ở ngoại thành Hà Nội - tỏ ra bất ngờ và bối rối. Từ năm ngoái đến nay, chị đều đăng ký cho con học thêm ngay tại trường với 4 buổi chiều/tuần. Học phí cũng rất rẻ, chỉ 7.000 đồng/tiết, tức chưa đến 3 triệu đồng/năm học.
“Hiện tại, nhà trường chưa có thông báo, nhưng tôi lo ngại với quy định mới, con sẽ không được học thêm trong trường với chi phí rẻ nữa”, chị Thúy chia sẻ với Tri Thức - Znews. Không riêng chị, nhiều phụ huynh khác, nhất là ở khu vực nông thôn, cũng có băn khoăn tương tự.
Phụ huynh lo lắng là có căn cứ, nhưng quy định có nhiều tích cực
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó nêu rõ việc dạy thêm trong trường sẽ không thu tiền, và chỉ dành cho 3 đối tượng gồm: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Khắc Lý - Phó hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội) - nhìn nhận những băn khoăn như chị Thúy nêu là có căn cứ, bởi học phí học thêm trong trường thường rất rẻ. Bên cạnh đó, học sinh an tâm khi được học ngay tại trường, không phải tìm địa điểm bên ngoài. Các em cũng có thể được học với chính thầy cô của mình.
Khi thông tư mới có hiệu lực, các trường sẽ không tổ chức dạy thêm với học sinh không thuộc 3 đối tượng trên. Các em muốn học sẽ phải tìm các trung tâm bên ngoài. Nhưng với các vùng nông thôn hay với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đây sẽ là rào cản.
Dù vậy, nhìn rộng hơn, thầy Lý cho rằng quy định cấm thu tiền dạy thêm trong nhà trường sẽ có nhiều điểm tích cực và tiến bộ.
Theo thầy, học thêm từ xưa tới nay vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Khi quy định này được áp dụng, học sinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích nhất. Thứ nhất, quy định chỉ dạy thêm không thu tiền với 3 đối tượng là rất nhân văn. Đây là trách nhiệm của nhà trường, nhằm tạo giá trị cho học sinh, đúng với tôn chỉ của các nhà trường, của ngành giáo dục.
Thứ hai, các em có nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu hoặc có thể lựa chọn học thêm với các thầy cô mà mình yêu thích, hạn chế các tiêu cực như ép buộc học thêm. Từ đó, hiệu quả học tập cũng sẽ nâng cao, đúng với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là cá thể hóa người học, phát triển đúng năng lực, sở trường.
“Dạy học đúng nghĩa là dạy cách học. Khi có cách học rồi, các em hoàn toàn có thể tự tìm kiếm tài liệu, tự học online thay vì học thêm tràn lan”, thầy Lý nói.
Thầy Đ.M.H. - giáo viên môn Ngữ văn tại TP.HCM - bổ sung thêm rằng quy định mới cũng sẽ thúc đẩy giáo viên làm việc nghiêm túc, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực để ép buộc học thêm, phân biệt đối xử, trù dập học trò… Nhà trường cũng sẽ tránh những ảnh hưởng tiêu cực, không đáng có từ việc dạy thêm.
“Trong khi đó, học sinh sẽ được hưởng trọn vẹn quyền lợi học tập. Phụ huynh an tâm hơn và giảm được một khoản chi phí”, thầy H. nhìn nhận.
Chị Nguyễn Linh - phụ huynh có con học lớp 7 tại Hà Nội - đồng ý với những quan điểm trên. Hiện tại, con chị cũng tham gia học thêm 4 buổi chiều/tuần tại trường, học phí khoảng 3 triệu đồng/năm học.
Song, chị đánh giá chất lượng học không hiệu quả bởi lớp học không phân theo trình độ. Tương tự học chính khóa, giáo viên cũng không thể kèm cặp được từng bạn một.
“Chủ yếu, tôi đăng ký cho con học bởi không thể để con ở nhà một mình vào buổi chiều. Vả lại, cả lớp đi học, mình con không đi sẽ có sự khác biệt”, chị Linh dự định nếu không học thêm trên trường, chị dùng tiền và thời gian đó thuê gia sư kèm con vào các buổi chiều trong tuần sẽ hiệu quả hơn.
Vẫn còn băn khoăn về kinh phí
Dù có nhiều mặt lợi, song thầy Lý cho rằng vẫn còn một số khúc mắc. Theo thầy, hiện nay, nhiều trường tổ chức ôn thi cuối cấp cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Mức học phí thu theo quy định của từng tỉnh.
Ví dụ, hiện tại, theo Quyết định 22 của UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2013, các trường học tại Hà Nội thu phí học thêm trong trường từ 7.000-32.000 đồng/học sinh/tiết học.
70% số tiền học thêm nhà trường thu về sẽ dùng để chi trả chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy. 15% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm của nhà trường và 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Trường Phùng Khắc Khoan hiện thu 7.000 đồng/tiết học thêm để học sinh nào cũng có thể tiếp cận được. Năm nay, trường có khoảng 630 học sinh lớp 12 tự nguyện đăng ký học ôn. Nếu mỗi học sinh học đủ 4 môn thi tốt nghiệp THPT, mỗi môn tối đa 2 tiết/tuần (theo quy định mới), học phí mỗi tuần/học sinh là: 7.000 x 2 x 4 = 56.000 đồng. Số tiền học phí mỗi tháng/học sinh là 224.000 đồng.
Như vậy, tổng số tiền học phí của trường mỗi tháng khoảng 141,1 triệu đồng. Hoạt động ôn thi tốt nghiệp thường kéo dài 4 tháng, tổng học phí khoảng 564,4 triệu đồng.
Với quy định mới, nhà trường nếu tổ chức ôn thi cho học sinh sẽ không được thu khoản này, kinh phí sẽ trích từ ngân sách.
Thầy Lý cho biết ngân sách nhà nước đã cấp từ đầu năm, trong đó không có phần để chi trả cho hoạt động dạy thêm. Nếu không thu học phí của học sinh, các trường sẽ khó đảm bảo kinh phí bởi không thể dành hết ngân sách một năm chỉ để chi trả dạy thêm.
Chính vì vậy, hiện tại, trường Phùng Khắc Khoan mới có phương án tổ chức ôn tập tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 có học lực yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Với những em còn lại, nhà trường đang tính toán phương án và chờ hướng dẫn từ Sở GD&ĐT.
Thầy Đ.M.H. cũng nhận định việc không thu tiền dạy thêm với 3 đối tượng như quy định mới là hợp lý. Song nếu không thu tiền, ngân sách sẽ quá tải. Thầy giáo đặt câu hỏi liệu nhà trường có được phép vận động xã hội hóa để hỗ trợ giảm chi ngân sách hay không.
Ngoài ra, theo thầy Lý, nếu cấm tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường, thu nhập của một bộ phận giáo viên chắc chắn sẽ giảm. Trong khi đó, giáo viên ở nông thôn cũng khó vào dạy trung tâm vì không có. Như vậy, thầy cô chỉ còn cách đi làm thêm công việc khác bên ngoài.
“Rõ ràng, việc được dạy thêm sẽ khiến thầy cô say nghề, bồi dưỡng chuyên môn hơn là đi làm thêm công việc khác”, thầy Lý nói.
Dù còn nhiều tâm tư, song vị hiệu phó cho rằng thông tư mới sẽ giúp việc dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp, thầy cô, học trò cũng sẽ dần thích nghi để đảm bảo thực hiện tốt quy định.