'Con nuôi biên phòng' nơi đầu nguồn biên giới

Cùng với chương trình 'Nâng bước em đến trường', 'Bữa cơm tình thương', từ tháng 8-2019, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh bắc Tây Nguyên tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng' do Bộ tư lệnh BĐBP phát động. Theo đó, BĐBP các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã nhận các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi, tạo điều kiện để các em được ăn ở, học tập, thắp sáng ước mơ đến trường.

Đóng quân và thực hiện nhiệm vụ chủ yếu ở vùng biên giới, dẫu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng từ 6 năm trước đó, những người lính “quân hàm xanh” đã có các chương trình, mô hình hiệu quả giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã tổ chức đón nhận, nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học tại đơn vị cho gần 30 cháu, con em bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, hỗ trợ hơn 250 cháu học tập (mức 500.000 đồng/cháu/tháng) theo chương trình “Nâng bước em đến trường”; 40 cháu theo mô hình “Bếp ăn tình thương”.

 Cán bộ Đồn Biên phòng 721 giúp "con nuôi" Lê Đại Vĩ học tập.

Cán bộ Đồn Biên phòng 721 giúp "con nuôi" Lê Đại Vĩ học tập.

Theo lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai, từ tháng 8-2019, các đồn đã nhận 11 em về làm “con nuôi đồn biên phòng” nhằm chia sẻ khó khăn, nuôi các cháu ăn ở, học tập tại đồn. Các cháu được bố trí chỗ ở phù hợp, có góc học tập riêng, có đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết; đồng thời phân công cán bộ trực tiếp chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn các cháu học tập. Ngay sau khi các đồn nhận con nuôi, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ mỗi cháu 5 triệu đồng và mua tặng mỗi cháu 1 chiếc xe đạp để đến trường.

Đến vùng biên giới huyện Ia Grai (Gia Lai), chúng tôi được Trung tá Ngôn Ngọc Cương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 719, chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ của đồn đóng vai trò là cha nuôi, anh nuôi của những cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồn đã nhận nuôi hai cháu là Rơ Lan Tuen (12 tuổi), học lớp 6 và Ksor Hội (11 tuổi), học lớp 5. Hội mồ côi cha, sống với mẹ ở làng Nú 1 (Ia Chía), nhưng mẹ không có việc làm ổn định; còn Tuen mồ côi mẹ, cha bỏ đi lấy vợ khác. Hai cháu được đơn vị bố trí ăn ở, sinh hoạt, học tập ở đội công tác cơ sở. Một tháng chi cho hoạt động của hai đứa con nuôi gần 5 triệu đồng, số tiền này được cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp.

Chiều muộn cũng là lúc Lê Đại Vĩ tan học trở về “ngôi nhà biên phòng”. Không giấu được niềm vui, Vĩ tâm sự: Về nơi ở mới, có phòng riêng, có tủ đựng áo quần, có bàn học mới, giường mới... em còn được các cha nuôi ở Đồn Biên phòng 721 (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai) chở đi mua sắm áo quần, sách vở, cặp sách, giày... để đi học. Cùng tâm trạng, em A Bặc (13 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng) ở làng Bung Tôn, xã Đắc Plô, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Được làm con nuôi của những người cha biên phòng ở Đồn Đắc Plô (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum), em thấy mình quá may mắn. Bố mất từ lúc em chưa sinh, người mẹ bị câm và điếc nên em được bà ngoại đem về nuôi. Ước mơ của em là trở thành bộ đội biên phòng, nên từ bây giờ, em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt”.

Trò chuyện với các cháu được BĐBP hỗ trợ và nuôi ăn học, chúng tôi thêm quý trọng những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đầu nguồn biên giới. Mai này lớn khôn, các em sẽ luôn nhớ về những tình cảm cao quý, sâu đậm mà các chú bộ đội "quân hàm xanh" dành cho mình từ tuổi ấu thơ.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/con-nuoi-bien-phong-noi-dau-nguon-bien-gioi-609856