Con số 'thiêng' - Nhìn từ 'liên văn hóa'!

Dùng để đo đếm, tính toán, tư duy, con số là một ký hiệu đặc biệt, một phát minh vĩ đại của con người, nhờ vậy mà nhân loại mới có cuộc sống văn minh như ngày nay. Chính vì cực kỳ quan trọng như thế nên nó trở thành 'thiêng'.

Bị khúc xạ bởi văn hóa (ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục…) nên với dân tộc, cộng đồng này, con số ấy là thiêng còn với dân tộc, cộng đồng kia thì ngược lại. Ví như với người Hoa thì con số 4 không phải là số may. Lý do bởi cách phát âm tiếng Trung chữ “tứ” gần giống chữ “tử” có nghĩa là chết. Thêm nữa là xuất phát từ triết lý phương Đông cổ xưa quan niệm đời người có bốn giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử” thì số thứ tự 4 nói về sự kết thúc một quá trình sống…

Người Hoa thích số 9, coi đó là biểu tượng của hạnh phúc, thuận lợi. Vì chữ “cửu” (chín) có nghĩa là trường cửu, bền vững, lâu dài. Chịu ảnh hưởng trong quy luật tiếp biến nên người Việt cũng coi số 9 là số “thiêng”… Quy định bởi hướng tiếp cận, bài viết chọn con số 7 rồi soi chiếu từ ánh sáng của lý thuyết “liên văn hóa” để làm bật ra những nét chung riêng khá thú vị.

Tranh Đức Phật đản sinh!

Tranh Đức Phật đản sinh!

Người Việt không thích số 7 thường dùng nó chỉ những gì không tốt lành. Về sự bấp bênh, chìm nổi: “Ba chìm, bảy nổi”, về sự mong manh, ngắn ngủi: “ba bảy hai mốt ngày”, để chỉ ngày xấu: “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”… Người Trung Quốc cho rằng con số 7 là con số của mất mát, tức giận, thậm chí là cái chết. Nhìn từ trường liên văn hóa, cả người Việt và người Hoa chịu sự chi phối của các tập quán văn hóa sau.

Một là, ở Việt Nam và Trung Quốc số 7 có phiên âm Hán là “thất” nghĩa là “mất”: “thất bát”, “thất bại”, “thất nghiệp”, “thất đức”, “thất học”, “thất vọng”, “thất tình”... Hai là theo phong thủy, số 3 và 7 là những con số không tốt, số 3 ứng với sao “Tam bích” biểu trưng cho sự tranh chấp, mâu thuẫn. Số 7 ứng với sao “Thất xích” chủ về sự mất mát, trộm cắp. Ba là tục kiêng. Tháng 7 (âm lịch) ở cả hai nước đều coi đó là tháng “cô hồn”, tháng để “mở cửa mả” (từ ngày 2/7 đến đêm 14/7, Diêm Vương mở “Quỷ môn quan” để ma quỷ trở về dương thế) rồi “xá tội vong nhân”. Do là “tháng của ma quỷ”, không may mắn nên đều tránh các việc cưới hỏi, xây dựng, mua sắm, khởi hành,..

Nhưng với nhiều nền văn hóa trên thế giới thì con số 7 lại rất “thiêng”!

Trong các tôn giáo, với đạo Phật, số 7 là biểu tượng của con đường tu hành. Đức Phật khẳng định ngài đã bước 7 bước “từ phàm phu đến quả vị Phật”. Bảy bước ấy trở thành biểu tượng cho bảy “hạnh lành” của Phật khi nhập vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh.

Số 7 xuất hiện rất nhiều trong kinh Hindu với quan niệm trái đất nằm ở giữa gồm 7 hành tinh ở trên ứng với 7 “thế giới” khác nhau của con người và 7 hành tinh nằm phía dưới là nơi cư ngụ của ma quỷ. Trong huyền thoại Hindu, Surya - vị Thần Mặt trời cưỡi một cỗ xe có 7 con ngựa. Thần lửa Agni được miêu tả với 7 bàn tay và bảy ngọn lửa - tương ứng với những phần của cơ thể người và 7 nguồn năng lượng sẽ thức tỉnh trong quá trình thực hành tâm linh.

Đạo Công giáo coi số 7 như là một mã văn hóa đặc biệt. Có thể ban đầu như là một sự ngẫu nhiên mà số 7 xuất hiện nhiều: bảy người trong Hội Thánh đầu tiên, bảy chiếc kèn, bảy đại tội, bảy bí tích, 7 ngày sáng tạo (ra vũ trụ) của Chúa... Chúa được vinh danh trong vòngquang 7 tia sáng… Dần dần số 7 được coi là con số lý tưởng biểu thị sự hoàn thiện hay hoàn hảo về cả linh hồn lẫn thể xác.

“Kinh Thánh” khi mới khởi thảo được chia thành 7 phần chính. Số lượng sách (xuất bản) lần đầu là 49 (tức bội số của 7, 7 x 7 = 49).Cũng trong “Kinh Thánh”, Eva được tạo ra từ chiếc xương sườn thứ 7 của Adam. Sự kiện đó diễn ra vào ngày 7 tháng 7 (theo lịch Do Thái).Có nhà nghiên cứu “Kinh Thánh” đếm được số 7 được sử dụng 55 lần trong sách “Khải Huyền”. Đây cũng là con số thay đổi sau một chu kì thay đổi mới.

Tại sao các tôn giáo lại có chung quan niệm như vậy? Đây là một cách giải thích: Sau khi phát minh ra các con số thì số 7 không chia chẵn cho số nào nên nó được so với những gì bí hiểm để rồi dần dần tượng trưng cho sức mạnh thần linh trong thiên nhiên.

Qua quan sát, con người thấy có 7 hành tinh chi phối đến trái đất, chi phối nhịp của sự sống và gắn với 7 ngày trong tuần. Với các tôn giáo thì tính “thiêng” là một đặc trưng nổi bật, nên con số 7 đi vào thực hành, tu tập như là một tất yếu. Số 7 càng thiêng hơn khi gắn với tự nhiên: 7 kỳ quan thiên nhiên, 7 đại dương, 7 sắc cầu vồng… Cho đến ngày nay văn hóa phương Tây vẫn coi số 7 là may mắn. Hai danh thủ bóng đá David Beckham (người Anh) và Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) khoác áo câu lạc bộ nào cũng chỉ mặc áo số 7!

Một lễ bỏ mả Tây Nguyên!

Một lễ bỏ mả Tây Nguyên!

Ở phương Đông, người Nhật rất coi trọng con số 7 may mắn. Miền thượng nguồn của dòng chảy này là huyền thoại “Thất phúc thần” tức 7 vị phúc thần mang đến sự may mắn: Thần bảo trợ sự sống (Jurojin); Thần của cải, vui vẻ, hạnh phúc (Hotei); Thần khôn ngoan, may mắn và bất tử (Fukurokuju); Thần bảo hộ ngư dân (Ebisu); Thần của cải và bảo hộ nông dân (Daikoku); Thần của các chiến binh (Bishamonten); nữ Thần may mắn, tình yêu, thông thái và nghệ thuật (Benten).

Số 7 trở thành một nét văn hóa nên người Nhật thường tổ chức các sự kiện vào ngày 7. Như lễ Thất tịch (Tanabata) diễn ra ngày 7 tháng 7 hàng năm. Kỷ niệm 7 ngày sau khi đứa trẻ chào đời, lúc đó mới được đặt tên chính thức. Để tang người thân vào ngày thứ 7 và tuần thứ 7 sau khi qua đời… Văn hóa đương đại Nhật cũng đậm “tinh thần” số 7 với “7 anh em mèo máy Doraemon”, “7 viên ngọc rồng”…

Ở Tây Nguyên nước ta, tiêu biểu là dân tộc Êđê coi con số 7 như là một biểu tượng mang tính phổ quát. Như khi đứa trẻ vừa mới sinh ra phải dùng chày giã gạo ném đi, ném lại dưới gầm nhà sàn 7 lần để xua đuổi thần ác. Trong thời gian 7 ngày, đầu đời đứa bé phải đặt tên. Một đời người được tổ chức 7 lần cúng để cầu sức khỏe. Cây nêu (cột gương) dùng để cúng mừng thọ được khắc 7 vòng ở đầu cột và bôi 7 vòng tiết trâu. Lễ cúng mừng thọ được buộc 7 ché rượu… Mâm cơm cúng thường có 7 tô cơm, 7 tô canh, 7 tô thịt chín đã thái nhỏ, 7 bát không và 7 đôi đũa. Cầu thang nhà dài có bảy bậc lên xuống; dàn chiêng knah có 7 cái… Trong lễ trưởng thành (con trai) con heo cúng thần linh phải dài 7 gang tay, phải chọn 7 chàng trai chưa vợ, 7 cô gái chưa chồng đi lấy nước về đổ vào 7 ché rượu để cúng…

Trong thế giới sử thi con số 7 để chỉ về không gian, thời gian: “Bảy mùa rẫy đã trôi qua”; “phải vượt qua bảy ngọn núi, bảy con sông, bảy dòng thác”; “cứ 7 mùa trăng thì hồn người chết về thăm người sống một lần”; “Chàng Sing Nhã mới sinh ra đã nhảy qua bảy ngọn núi, bảy con suối, bảy cánh rừng”; chàng Đam San phải đánh nhau với 7 Mtao hùng mạnh. Đam San phải đi mất 7 mùa trăng mới đến được nơi ở nữ thần mặt trời…

Số 7 chi phối cả tư duy. Số đếm của người Êđê chỉ dừng lại ở con số 7, từ số 1 đến số 7 chỉ dùng một âm tiết: sa (1), dua (2), tlao (3)... Từ con số 8 trở lên phải ghép hai âm tiết: sa păn (8), dua păn (9)… Con số 7 còn được gắn liền với những ý niệm thời gian thể hiện qua những huyền thoại về trăng. Văn hóa Tây Nguyên nói chung tính thời gian theo chu kì của mặt trăng. Mỗi chu kì dài bảy ngày và bốn kì. Các lễ hội được tổ chức tuân theo đặc tính chu kỳ này. Trăng đi vào văn hóa Tây Nguyên như một biểu tượng cơ bản đa nghĩa nhất. Xét trên thực tế, giả sử những đêm hát sử thi, những lễ hội, những đám cưới, đám tang, những cuộc vui suốt đêm… lại thiếu ánh trăng thì sự thơ mộng, nồng nàn sẽ giảm đi rất nhiều. Cùng là những sự vật, hiện tượng “thiêng” nên không ngẫu nhiên số 7 và hình tượng trăng thường đi liền với nhau!

Bắt nguồn từ triết học thô sơ quan niệm vũ trụ có 7 tầng (ba tầng trời, ba tầng địa ngục, và mặt đất ở trung tâm) con số 7 đi vào văn hóa Tây Nguyên như một “cổ mẫu” nguyên thủy. Quan niệm này gần như trùng với quan niệm của đạo Phật và đạo Hồi. Vì sao có giống nhau như vậy? Ngẫu nhiên hay có một dòng chảy ngầm nối các tôn giáo rồi kéo dài đến mảnh đất Tây Nguyên? Đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thuyết phục. Xin mời bạn tiếp tục tìm hiểu!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/con-so-thieng-nhin-tu-lien-van-hoa--i684568/