Cơn sốt cầu thủ trăm triệu bảng tại Anh
Cứ ngỡ kỷ lục chuyển nhượng của Jack Grealish sẽ tồn tại ít nhất cũng vài năm nhưng rồi Jude Bellingham và Declan Rice thay nhau xác lập những thương vụ 100 triệu bảng chỉ sau chưa đầy 24 tháng
Ngay cả Man City, đội bóng nhà giàu từng mạnh tay chi 100 triệu bảng để đưa tiền vệ Jack Grealish từ đội bóng tầm trung Aston Villa bước ra ánh sáng 2 năm trước, cũng phải thốt lên "quá phi lý" khi chứng kiến Arsenal đồng ý trả 105 triệu bảng để đổi lấy chữ ký của Declan Rice.
Chắc chắn sẽ còn khá nhiều tranh cãi về bản hợp đồng vừa xác lập kỷ lục chuyển nhượng mới trong giới cầu thủ Anh, thế nhưng phải thừa nhận một điều, xuất phát điểm của Rice hơn hẳn Jack Grealish thuở nào. Tiền vệ tuyển Anh và West Ham cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để thể hiện tài năng ở một đội bóng có bề dày truyền thống và giàu tham vọng như Arsenal khi anh mới 24 tuổi.
Rất nhiều người sẽ có chung cảm giác như Man City khi cả trăm triệu bảng chỉ để đổi lấy một tiền vệ trung tâm, thay vì các tiền đạo như cách cả thế giới vẫn làm. Tuy vậy, nhìn vào các thông số chuyên môn mà Declan Rice tạo dựng nên ở vài mùa giải vừa qua, số tiền Arsenal bỏ ra hẳn không hề uổng phí.
Ở West Ham và tuyển Anh, Declan Rice chơi ở vị trí tiền vệ đánh chặn kiêm thu hồi bóng và anh làm tốt nhiệm vụ này hơn bất cứ cầu thủ nào tại Premier League. Kỹ năng chuyền bóng của Rice giúp liên kết tuyến giữa với hàng công rất hiệu quả bên cạnh khả năng đi bóng cũng thuộc tốp dẫn đầu Giải Ngoại hạng. Vai trò thủ lĩnh của Rice không phải bàn cãi bên cạnh việc ghi 5 bàn và thực hiện 4 pha kiến tạo trong 55 trận đấu, giúp West Ham giành được danh hiệu châu Âu đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Trẻ, còn rất nhiều tiềm năng phát triển và phù hợp với triết lý của HLV Arteta, Declan Rice thực sự là dự án đầu tư lâu dài của Arsenal. Sau khi Granit Xhaka sang Bundesliga, Thomas Partey chuẩn bị đến Ả Rập Saudi còn Jorginho lớn tuổi, Rice có thể trở thành thủ lĩnh trong tương lai ở Arsenal đang quyết liệt hướng tới các danh hiệu lớn bằng đội hình có vài trụ cột trẻ được đào tạo trong nước, như Saka (21 tuổi) và thủ môn Ramsdale (25 tuổi).
Từ bao giờ và lý do gì mà cầu thủ Anh đạt giá trị không tưởng dù Premier League từ lâu được xem là mô hình kiếm tiền lý tưởng trên thế giới nhờ cách bản bản quyền giải đấu cao tay? Cũng cần nhắc thêm trường hợp Harry Kane sẵn sàng gia nhập Bayern Munich (Đức) hoặc Real Madrid (Tây Ban Nha) với giá xấp xỉ trăm triệu bảng như đòi hỏi của Tottenham, rõ ràng chẳng có điểm chung về mặt tuổi tác giữa các "kỷ lục gia" này (Bellingham mới 19 tuổi, Rice 24, Grealish 27, Kane 29)…
Chỉ có thể lý giải, cả 4 ngôi sao đắt giá của bóng đá Anh đều luôn nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp, đang độ chín, không có người nổi bật hơn và không (hoặc chưa) vướng vào những bê bối ngoài sân cỏ. Các CLB chủ quản của họ (kể cả Dortmund - Đức với trường hợp Bellingham) "làm thương hiệu" rất hay từ khâu đào tạo cho đến rao bán "sản phẩm" đúng lúc.
Ngoài ra, khi Man City lần đầu chạm tay đến danh hiệu vô địch Champions League, nhóm "Big Six" của làng cầu Anh có thêm nhà vô địch châu Âu thứ tư, tạo động lực để Arsenal vươn tới đỉnh cao bằng nguồn nội lực là những cầu thủ đắt giá.
Từ nửa tháng trước, Jude Bellingham đã chính thức gia nhập Real Madrid từ Dortmund bằng bản hợp đồng 6 năm có giá 88,5 triệu bảng cùng khoản phụ phí không hề nhỏ, ước tính tổng cộng lên đến 114 triệu bảng. Giá phá hợp đồng của anh được Real Madrid định là 1 tỉ euro.
Bellingham là sản phẩm của lò đào tạo Birmingham, CLB đang chơi ở Giải Hạng nhất Anh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/con-sot-cau-thu-tram-trieu-bang-tai-anh-20230629211956469.htm