Cơn sốt crypto trong làng bóng đá Anh

Một điều đang khiến giới quan sát bóng đá Anh chú ý không phải là những cầu thủ hay trận đấu, mà là tiền ảo crypto. Từ hơn một năm trở lại đây, các câu lạc bộ bóng đá Anh đang dần dần 'lấn sân' sang lĩnh vực tiền ảo, từ quảng cáo các đồng tiền crypto đến tự mình phát hành tiền ảo. Xu hướng này làm dấy lên mối lo ngại về liệu các đội bóng có đang đe dọa đến sự an toàn tài chính của mình và fan hâm mộ.

Đổ xô vào tiền ảo

Đầu tiên crypto xuất hiện trên màu áo các đội bóng. Lần lượt Southampton, Watford, Wolverhampton, v.v…bắt đầu quảng cáo trên đồng phục của mình những đồng tiền ảo như DogeCoin hay Etherum. Trong bối cảnh nhiều đối tác truyền thống rút quảng cáo vì gặp khó khăn tài chính, việc các đội bóng nhận quảng cáo tiền crypto cũng không có gì lạ.

Theo chuyên gia phân tích tài chính thể thao Patrick Kinch, 2021 là một năm bản lề đối với quảng cáo crypto nói chung và quảng cáo crypto trong bóng đá nói riêng. “Tôi được biết là hiện có đến 49 hợp đồng đã được ký kết hay đang trong quá trình hoàn thiện giữa các ông chủ đội bóng và những công ty kinh doanh tiền ảo”.

Đáng lo hơn là khi các đội bóng tự mình tham gia vào lĩnh vực crypto. Cách đây hơn một tháng, câu lạc bộ West Ham United đã tuyên bố sẽ phát hành đồng tiền ảo của riêng mình. Các fan hâm mộ mua đồng tiền ảo này sẽ được quyền tham gia vào quá trình ra quyết định của đội bóng giống như cổ đông doanh nghiệp. Người nào sở hữu càng nhiều tiền ảo thì càng nhận được nhiều đặc quyền như ghế ngồi hạng vip, gặp mặt các cầu thủ, đội bóng sẽ ra sân trong tiếng nhạc nào, v.v…

Alexandre Dreyfus, CEO của Socios.

West Ham United chỉ đang “tiếp bước” Arsenal, Manchester City và Aston Villa. Ba đội bóng này hiện đang hợp tác với Socios để phát hành một đồng tiền crypto tương tự. Socios là một công ty tài chính đặt trụ sở ở Malta. Ngoài những đội bóng Anh, trong số đối tác của họ còn có Paris Saint-Germain (Pháp), AS Roma và Inter Milan (Ý), cùng một số câu lạc bộ khác ở châu Âu.

Hiện báo giới vẫn chưa thực sự biết rõ quyền lợi mà người mua tiền ảo từ Socios nhận được, nhưng một câu chuyện được nhắc tới nhiều là việc một đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ dựng hình bìa cứng của hơn một nghìn fan hâm mộ tại sân vận động của mình. Các fan của đội bóng sở hữu đồng tiền crypto đã cùng bỏ phiếu yêu cầu câu lạc bộ dựng hình bìa cứng của họ rồi đặt lên khán đài như cách để cổ vũ đội tuyển nhân lúc cách ly phong tỏa.

Nhà sáng lập, CEO của Socios là Alexandre Dreyfus, một nhân vật người Pháp có “máu mặt” trong ngành cá độ châu Âu. Ông này trả lời tờ Le Figaro: “Socios đã có thể thất bại nếu như không nhờ sự may mắn và một chút liều mạng nữa. Giữa lúc nhiều nhà đầu tư khác đang tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh của ngành bóng đá, Socios đã chớp lấy cơ hội để “lấp đầy” một lỗ trống trên thị trường. Kết quả là chúng tôi đã bán được 200 triệu euro tiền ảo cho gần 90 khách hàng khác nhau. Hiện nay bạn có thể đi đâu trên đất châu Âu cũng sẽ thấy bảng quảng cáo Socios tại các trận đấu bóng đá”.

Những đội bóng Anh như Southampton đang dồn hy vọng vào ván bài tiền ảo.

Không chỉ các đội bóng mà cả cầu thủ cũng tham gia quảng cáo cho tiền ảo. Lionel Messi mới đây đã ký hợp đồng quảng cáo với SIRIN LABS, một công ty sản xuất điện thoại có khả năng lưu trữ Crypto. Cựu đôi giày vàng FIFA Brazil Ronaldinho bán tiền ảo mang tên Ronaldinho Soccer Coin cho fan hâm mộ. Một danh thủ khác cùng thời với Ronaldinho là Michael Owen đang kiếm lời từ đồng tiền Owen Coin được trao đổi trên sàn crypto GCOX.

Ngoài tiền ảo, ngành bóng đá nói riêng và ngành thể thao nói chung đang để mắt đến NFT, một loại hình dữ liệu điện tử có chứng nhận sở hữu giống như các tác phẩm hội họa vậy. Đội tuyển bóng đá quốc gia Tây Ban Nha và câu lạc bộ Rangers (đương kim vô địch giải bóng đá Scotland) đang hợp tác với công ty Thổ Nhĩ Kỳ Bitci Technology để phát hành NFT hình những cầu thủ bán cho nhà sưu tầm lẫn nhà đầu tư.

Soare là một công ty khác chuyên về phát hành NFT cho các đội bóng. Hiện doanh nghiệp Pháp này đã ký được hợp đồng hợp tác với câu lạc bộ Manchester City và 20 đội chơi trong khuôn khổ giải La Liga (Tây Ban Nha), trong đó có Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, và Real Sociedad. Có thông tin rằng Soare đang đàm phán với giải Ngoại hạng Anh, và trong đội đàm phán của họ là cựu danh thủ Rio Ferdinand, một cổ đông lớn của Soare.

Wayne Rooney là một trong những ngôi sao bóng đá quảng cáo tiền ảo.

Nỗi lo thiếu tiền

Tại sao các câu lạc bộ bóng đá Anh lại đổ xô đi đầu tư vào crypto? Nhà báo thể thao Joey D'Urso viết trên tờ The Athletic (Anh): “Từ giải ngoại hạng đến giải hạng hai, toàn bộ các đội bóng Anh đang lỗ nặng. Vì đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế khó khăn mà nhiều fan hâm mộ không mua vé đến sân xem thi đấu hay mua đồ lưu niệm. Nguồn tiền từ các nhà quảng cáo và ông chủ đội bóng thì chỉ có cạn dần chứ không thêm. Tuy nhiều đội bóng đã ra chính sách giảm lương cầu thủ và ban huấn luyện, nhưng với mức lương “khủng” của các tuyển thủ ngoại hạng Anh hiện nay thì biện pháp này cũng chỉ như “muối bỏ bể”.”

Vấn đề mất cân đối kinh phí đã được nhiều chuyên gia chỉ ra từ trước khi COVID-19 xuất hiện. Các đội tuyển lớn ở Châu Âu thi nhau trả những số tiền “khủng” để rước về những chân sút hạng nhất. Tuy vậy, kể cả khi bóng đá Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha đã được đưa lên tầm quốc tế, được khán giả khắp thế giới theo dõi, khả năng sinh lời của môn bóng đá cũng không thể bằng số tiền họ bỏ ra để mua và trả lương cầu thủ. Ngay trong năm 2019, Chelsea cũng chỉ lãi 30 triệu bảng, Manchester City 10 triệu, Manchester United 26 triệu, West Ham 18 triệu. Đấy là khoản lãi chưa tính thuế và trả lãi ngân hàng.

Vụ việc các đội bóng lớn nhất châu Âu như Manchester United, Juventus, Real Madrid, v.v…hồi hè vừa rồi đòi thành lập giải bóng đá riêng của họ cũng là vì tiền. Ban lãnh đạo các đội bóng này muốn loại bỏ UEFA để tăng số tiền kiếm được từ giải đấu. Chỉ khi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ fan hâm mộ, các chính trị gia, UEFA và FIFA các câu lạc bộ nói trên mới từ bỏ kế hoạch của mình.

Ranh giới giữa bóng đá và tài chính đang càng ngày trở nên mờ nhạt.

Các đội bóng Anh dù rất muốn “tiết kiệm” nhưng nếu họ không bỏ tiền ra thì sẽ không giữ chân được danh thủ. Vậy là họ rơi vào vòng luẩn quẩn: đội bóng muốn đầu tư để nâng giá trị nên ngửa tay xin chủ sở hữu, chủ sở hữu một mặt đi vay ngân hàng, mặt khác lại thúc ép đội bóng phải kiếm nhiều tiền hơn nữa, thế là lại phải đi vay thêm.

Có thông tin rằng tỷ phú Mike Ashley (Anh) phải “bán rẻ” đội Newcastle với cái giá 300 triệu bảng cho Quỹ đầu tư của thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là vì nợ. Các khoản nợ mà Newcastle phải “gánh” thậm chí đã gây nguy hiểm đến cả tập đoàn đồ thể thao Frasers Group của Mike Ashley.

Không phải đội bóng nào cũng có thể “đi tìm” chủ mới, nên họ đành tìm đến tiền ảo. Romain Molina, một trong những nhà báo điều tra thể thao uy tín nhất của nước Pháp và châu Âu, tiết lộ: “Trong số các ông chủ đội bóng và cầu thủ mà tôi đã nói chuyện, 9 trên 10 người không biết crypto, chuỗi blockchain hay NFT thực chất là gì. Họ chỉ thấy công chúng đổ tiền vào những thứ này nên muốn ăn theo… Tôi cảm thấy ái ngại cho các cầu thủ. Lúc nào vây quanh họ cũng là những kẻ “ăn bám” muốn lấy tiền của họ đi đầu tư cái này cái kia. Mà cầu thủ thì có biết gì về tài chính đâu”.

Hơn ai hết, các fan hâm mộ đang là người tỏ ra lo lắng nhất về việc đội bóng mình ưa thích đổ tiền vào crypto. Hội Cổ động viên câu lạc bộ Leeds (Anh) mới đây đã có một cuộc tuần hành phản đối việc đội bóng dự định phát hành NFT. Theo thông cáo báo chí của hội cổ động viên: “NFT và tiền ảo crypto là hai công cụ tài chính chưa được kiểm chứng, chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng. Hội cổ động viên không đồng ý với việc đội bóng tham gia đầu tư vào một loại hình nguy hiểm như vậy… Việc phân chia quyền lực dựa trên sở hữu tiền ảo đi ngược lại với tinh thần cộng đồng của môn bóng đá. Chúng tôi muốn cho bất kỳ người hâm mộ đội Leeds nào có quyền được đóng góp ý kiến của mình và được lắng nghe”.

Việc đội Leeds ký hợp đồng với Socios đã làm mất lòng nhiều cổ động viên.

Hiện Chính phủ Anh vẫn chưa có động thái gì trước xu hướng đội bóng đầu tư crypto. Theo quan sát của các chuyên gia, rất có thể phải chờ đến năm sau Quốc hội Anh mới đem việc này ra bàn thảo. Vậy nhưng kể cả khi London có cấm đầu tư tiền ảo đi nữa thì vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Ngành bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu hiện tự “đào hố” cho mình bởi cuộc chạy đua chuyển nhượng, trong khi dòng tiền đầu tư từ bên ngoài đang làm méo mó thị trường. Để giải quyết được vấn đề chỉ có cải tổ toàn bộ phương thức hoạt động hiện thời các câu lạc bộ và giải bóng đá. Đây là cả một quá trình dài và đau đớn mà chưa chắc đội bóng nào sẽ muốn trải qua.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/con-sot-crypto-trong-lang-bong-da-anh-i638241/