Cơn sốt đất ở sân bay Téc-Ních Hớn Quản: Bài học lớn cho nhà đầu tư

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị xoay quanh cơn sốt đất ở sân bay Téc-Ních Hớn Quản (Bình Phước), TS Sử Ngọc Khương cho rằng, đây là bài học lớn cho các nhà đầu tư.

 TS Sử Ngọc Khương

TS Sử Ngọc Khương

Thưa ông, vì sao chỉ sau khoảng 10 ngày bùng nổ, cơn sốt đất ở sân bay Téc-Ních Hớn Quản (Bình Phước) đã hết?

- Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Vừa qua, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních.
Sân bay Téc-Ních tại Bình Phước không phải là cây đũa thần, làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường BĐS khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn như thế. Giả định là sân bay sẽ được hoàn thành, theo góc nhìn thực tế thì cần ít nhất 5 - 7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt, cộng với thời gian xây dựng sẽ mất thêm 3 - 5 năm nữa. Như vậy, từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành thì cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để vận hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5 - 10 năm nữa.
Có ý kiến cho rằng, ở đâu có quy hoạch sân bay là ở đó có sốt đất. Ông đánh giá sao về nhận định này?
- Việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị BĐS và tạo sức hút trên thị trường như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp. Hình thành một khu dân cư không phải là dễ và liên quan đến bài toán kinh tế đô thị. Hãy thử đặt câu hỏi là vì sao nhiều người lại di cư đến Bình Dương chứ không phải Bình Phước?

Đơn giản là vì Bình Dương có nhiều ưu điểm hơn và đáp ứng được những nhu cầu của đa phần bộ phận người dân. Cho nên, để tăng giá trị BĐS thì phải nắm bắt đáp ứng được nhu cầu để tạo ra sức hút riêng biệt, thu hút nguồn lao động và di dân đến địa phương một cách cơ học. Vì thế, việc xây thêm một con đường hoặc có một sân bay nội địa chưa đủ để tác động trực tiếp đến thị trường.
Từ câu chuyện sốt đất ở Bình Phước, ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư?
- Nhà đầu tư không nên mạo hiểm xuống tiền ở những khu vực sốt đất. Thực tế, có rất nhiều nơi có yếu tố để sốt đất và nhiều nơi có giá đất hợp lý để mua. Nếu là dân địa phương hiểu rõ về quy hoạch, giá đất khu vực đó thì có thể đầu tư trong khoảng 2 - 3 hoặc 5 năm, tuyệt đối không đầu tư theo tin đồn khi chưa nắm được thông tin chính xác.
Xin cảm ơn ông!

Tiểu Thúy (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/con-sot-dat-o-san-bay-tec-nich-hon-bai-hoc-lon-cho-nha-dau-tu-412961.html