Cơn sốt dầu mỏ khiến nền kinh tế Venezuela hồi sinh sau 15 năm
Nền kinh tế của Venezuela được dự báo sẽ mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm qua, đánh dấu sự phục hồi của một quốc gia gần đây đã trỗi dậy từ cuộc suy thoái sâu nhất ở Mỹ Latinh.
Tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 8,3% trong năm nay, từ 1,9% vào năm 2021, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với năm nhà kinh tế. Quốc gia này đang nhận được sự gia tăng kinh tế mạnh mẽ từ sự gia tăng sản lượng dầu và chứng kiến nguồn thu từ thuế và tín dụng ngân hàng mở rộng, điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang tăng lên.
Một nhà máy lọc dầu ở Cabimas, Venezuela. Ảnh: Gaby Oraa/Bloomberg.
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia này sẽ ở mức 5,2% vào tháng 12. Ngân hàng trung ương Venezuela đã không công bố dữ liệu GDP chính thức kể từ năm 2019.
Một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài bảy năm kết thúc vào năm 2021 và được đánh dấu bằng những đợt siêu lạm phát và cuộc khủng hoảng di cư đã khiến Venezuala trở nên khánh kiệt. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội của đất nước đã giảm xuống còn khoảng 49 tỷ USD từ 352 tỷ USD vào năm 2012.
Angel Alvarado, nghiên cứu sinh cao cấp tại Đại học Pennsylvania và là người sáng lập Đài quan sát Tài chính Venezuela cho biết trong một bài phát biểu rằng: “Tiêu đề về Venezuala có thể là: đất nước luôn hoạt động kém hiệu quả nay đang phát triển. Nhưng khi nhìn vào lịch sử gần đây, chúng tôi thấy rằng nó không là gì so với mức độ suy thoái mà chúng tôi đã trải qua ”, ông đồng thời cũng đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của quốc gia sẽ là 11,5% trong năm nay.
Alvarado cho biết đất nước sẽ cần phải đạt mức tăng trưởng hai con số trong vòng một thập kỷ để khôi phục lại quy mô kinh tế như năm 2012.
Hiện tại, giá dầu thô trên thế giới đã tăng gần 50% trong năm nay lên khoảng 115 USD/thùng. Với thu nhập nước ngoài nhiều hơn từ xuất khẩu dầu, nhập khẩu và tiêu dùng tại đất nước cũng đang gia tăng.
Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng vốn đang bị trừng phạt của nước này đã tăng hơn gấp đôi sản lượng trong hai năm qua lên khoảng 700.000 thùng dầu/ngày. Quốc gia này có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh là lớn nhất thế giới và đã từng bơm 3 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất đang chững lại và lĩnh vực này đang cần nhiều đầu tư nước ngoài hơn trong bối cảnh Venezuela hiện đang bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt kinh tế khiến các công ty Mỹ không thể kinh doanh với công ty dầu khí nhà nước của Venezuela.
Guillermo Guerrero, chiến lược gia của Emfi Group Ltd., viết trong một lưu ý cho khách hàng rằng nếu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt với quốc gia Mỹ Latinh này, khoản đầu tư mới vào Venezuela có thể thúc đẩy thêm sản lượng dầu lên tới 300.000 thùng/ngày, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng khủng hoảng nguồn cung dầu khí hiện nay.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp dụng hầu hết các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, nhưng có vẻ như Tổng thống Biden đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng giảm bớt các lệnh hạn chế nếu Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đạt được tiến bộ trong việc giải quyết bất đồng chính trị kéo dài với phe đối lập.
Chiến lược gia Guerrero nói: “Bất kỳ sự nới lỏng nào của các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ tạo ra một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của Venezuela.”
Huy Hoàng (Theo Bloomberg)