'Cơn sốt' giải tỏa nhu cầu du lịch
Mang tâm lý 'giải phóng' sau dịch, rất nhiều người đã đổ về các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Đà Lạt. Vào ngày cuối tuần, các khách sạn ở Sa Pa gần như không còn phòng trống.
Lượng khách tăng mạnh
Theo thống kê của Sở Du lịch Lào Cai, từ ngày 29/1 đến 3/2, Sa Pa đón khoảng 25.000 lượt khách, tập trung đông nhất sau ngày 2/2. Công suất phòng ở thị xã Sa Pa đạt trên 90%, riêng phòng 3-5 sao đạt 100%. Dự kiến cả dịp Tết, toàn tỉnh Lào Cai đón 70.000 lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt so với năm ngoái.
Từ thời điểm mồng 4 Tết đến nay, địa phương này luôn ghi nhận số lượng khách đặt phòng cao, tình trạng “cháy phòng” vào ngày cuối tuần diễn ra thường xuyên. Theo chủ một khách sạn trên đường Mường Hoa, từ những ngày trong tuần số lượng phòng trống đã gần như không còn do khách du lịch đổ về rất lớn.
Tình trạng khách tăng cao đã gây ra cảnh ùn ứ giao thông trên các tuyến đường vào trung tâm như tuyến đường Điện Biên Phủ, khu vực tập trung nhiều quán ăn, khách sạn ở Sa Pa. Một du khách tên Hiếu chia sẻ, hướng đường về các điểm du lịch như cáp treo Fansipan, đèo Ô Quý Hồ đều tắc cứng, cả tiếng xe mới có thể di chuyển được vài km. Anh cho biết Sa Pa tắc đường vì lượng phương tiện cá nhân, chủ yếu là ôtô đổ về đông trong 2 ngày, ngoài ra do tuyến đường trung tâm nhỏ.
Không chỉ các khách du lịch trẻ, nhiều gia đình cũng lựa chọn Sa Pa là điểm du lịch lý tưởng sau thời gian nghỉ Tết. Tuy nhiên, cảnh chen chúc ở khu du lịch này khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Nhu cầu tăng cao, các dịch vụ khác như xe vận chuyển khách cũng trong tình trạng kín chỗ.
Nông Bảo Châu, một khách du lịch từ Hà Nội cho biết: “Thời tiết mưa lạnh khiến tâm lý tôi khá hụt hẫng. Vì đi vào cuối tuần nên khách đến đây rất đông, các hàng ăn uống hay vui chơi cũng đều chật kín người”.
Không chỉ tình trạng chen chúc, các dịch vụ du lịch tại đây cũng đều tăng giá cao hơn so với trước Tết. Bảo Châu cho biết, bình thường giá thuê xe máy sẽ dao động từ 80 – 100 nghìn đồng nhưng hiện tại mức giá này đã tăng lên 150 nghìn đồng. Cũng vì lượng khách đông nên một số dịch vụ du lịch không đảm bảo chất lượng. Theo chia sẻ của Bảo Châu, chị đã phải bỏ ra 1 triệu đồng cho bữa ăn 2 người trong khi thường ngày chỉ dao động khoảng 600 nghìn đồng.
Tương tự, Minh Trang, một du khách tới từ Sài Gòn cũng ngao ngán vì cảnh tượng đông đúc, tắc nghẽn tại Sa Pa. “Mình đặt phòng trước một tháng nên không phải khổ sở tìm phòng nhưng một nhóm bạn khác của mình thì chật vật đi khắp nơi tìm phòng tới giữa đêm. Họ phải trả mức chi phí cao khoảng 3 lần so với bình thường”, Trang chia sẻ.
Ở khu vực phía Nam, tình cảnh người người chen lấn đi du lịch cũng diễn ra tương tự ở tỉnh Tây Ninh. Ông Trần Hải Sơn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch tham quan núi Bà Đen đã trên 800.000 lượt người, cao nhất so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong 2 ngày cuối tuần tới, núi Bà Đen sẽ đạt 1 triệu lượt khách tham quan.
Lý giải lượng du khách đổ về Tây Ninh tham quan tăng mạnh dịp sau Tết, ông Sơn cho biết nhờ tỉnh Tây Ninh kích cầu du lịch bằng việc miễn vé tham quan vào cổng khu du lịch núi Bà Đen trong năm 2022 cho du khách trong nước và quốc tế. Mặt khác, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trong tỉnh, người dân hầu hết cũng đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng du lịch dịp trong và sau Tết Nguyên đán là do người dân muốn giải tỏa bớt cảm giác tù túng sau thời gian dài ở nhà vì dịch bệnh, chứ chưa phải là du lịch theo hành vi và thói quen.
Có phương án kiểm soát
Lượng khách tăng đột biến tại các điểm du lịch yêu cầu công tác đảm bảo an toàn cần phải tổ chức chặt chẽ. Thị ủy Sa Pa đã có chỉ đạo đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong mùa du lịch hậu Tết Nguyên Đán.
Theo đó, yêu cầu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch tại Sa Pa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như quét mã QR, đo thân nhiệt bằng máy cảm biến… Chính quyền cũng khuyến cáo du khách nên đi theo đoàn, nhóm nhỏ, không xé lẻ để dễ kiểm soát việc phòng chống dịch bệnh.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các khách sạn ven biển ở đây cũng cho biết đã nhận gần 50% công suất phòng với phần đông là khách vãng lai. Nhiều cơ sở lưu trú như Marina Bay (5 sao) và một số nhà nghỉ khác cũng cho biết đạt công suất khoảng 50% công suất phòng. Sau khi nhận phòng, một số du khách di chuyển xuống bãi tắm vui chơi, tắm biển.
Trước tình trạng lượng khách đến tắm biển đông, lực lượng ứng cứu cũng luôn ứng trực từ 6h đến 19h hằng ngày để đảm bảo an toàn cho khách tắm biển. Dọc các bãi tắm cũng có những bảng biểu khuyến cáo người dân không nên tắm biển ngoài khung giờ trên.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra chất lượng hoạt động du lịch và các cơ sở lưu trú. Thực tế, nhiều khách hàng đã phản ánh dịch vụ du lịch kém chất lượng làm giảm tính hấp dẫn của việc du lịch trở lại. Nguyên nhân của tình trạng trên được lý giải là do nhiều cơ sở lưu trú và các điểm du lịch đóng cửa lâu, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí hoặc chưa kịp cải tạo, nâng cấp. Một lượng lớn nhân sự ngành du lịch từ hướng dẫn viên tới lễ tân, phục vụ, buồng phòng đã thay đổi ngành nghề dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự để phục vụ khách.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/con-sot-giai-toa-nhu-cau-du-lich-post434043.html