Cơn sốt săn đón căn hộ 9m2 nhỏ như hộp giày ở Tokyo
Những căn hộ 'hộp giày' nhỏ hẹp nhưng thời thượng, nằm ở trung tâm Tokyo, đang được săn đón bởi nhiều người trẻ Nhật Bản muốn sống một mình.
Kết thúc ngày làm việc tại văn phòng của giải bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản, Asumi Fujiwara (29 tuổi) trở về căn hộ của mình.
Cô muốn tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ nên đã trải tấm thảm yoga có độ dài từ trước cửa nhà vệ sinh, lăn qua “căn bếp” gồm một máy nướng bánh mì, và dừng ở phía chân bàn của cô.
Sau khi giãn cơ, cô đứng vào tư thế chiến binh. Tuy nhiên, cô không dám duỗi tay hết cỡ như đúng động tác. Nói với New York Times, Fujiwara cho biết cô cần phải điều chỉnh một số động tác như vậy để tránh va đập vào thứ gì đó trong căn hộ.
Và đó là một cuộc sống thường ngày trong căn hộ rộng vỏn vẹn 9 m2 ở Tokyo (Nhật Bản).
Tokyo từ lâu được biết đến với những căn hộ nhỏ hẹp do giá bất động sản cao và là khu vực thành thị đông dân nhất thế giới. Nhưng những căn hộ mới này, hay còn gọi là kiểu phòng 3-tatami, có diện tích sàn bằng đúng 3 tấm chiếu tatami Nhật Bản, đang đẩy giới hạn của một cuộc sống bình thường tới một mức độ khác.
Nhỏ hẹp kiểu thời thượng
Nhà phát triển bất động sản Spilytus dẫn đầu trong việc hướng đến những không gian sống ngày càng nhỏ hẹp. Công ty vận hành kiểu căn hộ “hộp giày” từ năm 2015, với hơn 1.500 cư dân hiện sống trong 100 tòa nhà và nhu cầu vẫn còn phát triển mạnh mẽ.
Căn hộ chỉ có diện tích bằng 1/2 studio thông thường ở Tokyo, trần nhà cao 12 m và một gác xép để ngủ. Đồng thời, chúng cũng rất phong cách, gây ấn tượng người trẻ với sàn nhà và tường sơn màu trắng, cùng một số nội thất được sắp xếp hiệu quả gồm bàn làm việc, máy giặt, tủ lạnh và ghế sofa.
Dù không có thang máy, hầu hết khu căn hộ “hộp giày” có thế mạnh là nằm gần các con phố thời thượng ở trung tâm Tokyo như Harajuku, Nakameguro và Shibuya - nơi tọa lạc các cửa hàng, quán cà phê và nhà hàng sang trọng. Chúng cũng cách không xa các ga tàu điện ngầm - phương tiện di chuyển ưu tiên đối với nhiều người trẻ.
Bởi vậy, loại căn hộ này không dành cho người có ngân sách eo hẹp. Chúng có giá thuê dao động 340-630 USD/tháng, rẻ hơn vài trăm USD so với các studio khác trong khu vực nhưng đắt hơn những căn cùng loại đã cũ kỹ hàng thập kỷ.
Hơn 2/3 cư dân sống trong phòng 3-tatami là những người ở độ tuổi 20, kiếm trung bình khoảng 17.000-20.000 USD/năm, theo dữ liệu chính phủ. Một số người thuê bị hấp dẫn bởi khoản phí ban đầu thấp và không cần tiền cọc - một khoản có thể tương đương 3 tháng tiền nhà với nhiều bên cho thuê khác.
Những không gian nhỏ phù hợp với phong cách sống của nhiều người trẻ Nhật Bản. Ở quốc gia này, họ không có phong tục tiếp khách tại nhà, với gần 1/3 người Nhật nói rằng họ chưa từng có bạn bè ghé nhà chơi, theo kết quả khảo sát của Growth From Knowledge, nhà cung cấp dữ liệu cho ngành hàng tiêu dùng.
Mặt khác, nhiều người Nhật Bản ở mọi độ tuổi đều dành phần lớn thời gian làm việc hơn là ở nhà. Và số lượng người muốn sống một mình đang ngày càng gia tăng, khiến những không gian nhỏ hẹp càng được khao khát hơn.
Những người có lối sống như vậy thường sẽ ăn ngoài hoặc mua món làm sẵn tại cửa hàng tiện lợi, nên họ không cần căn bếp đầy đủ trong nhà mình.
Yugo Kinoshita (19 tuổi), sinh viên đại học làm việc bán thời gian tại một chuỗi nhà hàng, nằm trong số những cư dân khu căn hộ siêu nhỏ.
Khi ca làm việc kết thúc vào khoảng 1h sáng và đã kiệt sức, anh sẽ ăn bữa cơm miễn phí dành cho nhân viên, sau đó tới nhà tắm công cộng sento và ngủ ngay sau khi trở về căn hộ của mình. Vào một số ngày khác, anh ngập đầu trong bài tập của trường lớp và gặp gỡ bạn bè.
Khi có vài tiếng ở nhà mà không phải giờ ngủ, anh sẽ xem TV được đặt trên chiếc kệ gỗ có cả công dụng làm bàn học hoặc bàn bếp.
“Tôi sẽ không sống ở bất kỳ nơi khác”, Kinoshita tuyên bố.
Sống tối giản ở mức tối đa
Đối với một số cư dân, những căn hộ tí hon này là cánh cửa dẫn đến sự độc lập lâu dài. Cách đây 2 năm, Kana Komatsubara (26 tuổi) bắt đầu tìm kiếm căn hộ cho thuê để cô có thể chuyển ra khỏi nhà cha mẹ nằm ở ngoại ô Tokyo.
Một số yêu cầu chọn nhà của cô gồm không gian mới xây, thuận tiện đi làm, có nhà vệ sinh riêng biệt. Tất cả chúng nằm trong ngân sách tương đối eo hẹp của thợ làm móng Komatsubara. Dù không chủ đích, công cuộc tìm kiếm nhà đã dẫn cô tới khu căn hộ “hộp giày” của Spilytus.
“Tất nhiên, diện tích càng lớn càng tốt. Đây chỉ đơn giản là lựa chọn tốt nhất của tôi ở thời điểm hiện tại”, cô chia sẻ.
Lối vào căn hộ của Komatsubara rất nhỏ, với chiều rộng chỉ đúng bằng 3 đôi giày. Một hành lang dài 0,5 m nối từ cửa ra vào, đi qua bồn rửa bát và đến phòng chính.
Theo cô, một trong những tiện lợi của việc sinh sống trong căn hộ tí hon là ăn ít kem hơn. Tủ lạnh mini của cô không có ngăn đá. Điều này đồng nghĩa rằng cô không lo tăng cân.
Còn với Fujiwara, không gian nhỏ đã thúc đẩy cô sống bền vững hơn bằng cách suy nghĩ thật kỹ trước khi mua một thứ gì đó mới.
Hai cô gái đều ước có thêm không gian để sắm thêm quần áo. Mỗi khi Tokyo chuyển mùa, Komatsubara sẽ phải về nhà cha mẹ để đổi loại quần áo, gần đây nhất là thay những chiếc crop top thành áo len.
Bên cạnh đó, họ cũng từ bỏ việc sở hữu máy giặt trong căn hộ. Thay vào đó, họ sẽ tới các tiệm giặt là công cộng 1-2 lần/tuần. Phòng của sinh viên đại học Kinoshita có máy giặt nhưng không có chế độ sấy. Anh phải phơi quần áo ướt trên thanh treo rèm cửa sổ.
Mặt khác, Komatsubara không muốn gắn bó ở căn hộ này lâu dài. Cô đang tìm kiếm không gian cho thuê còn rẻ hơn nữa.
“Khi lớn tuổi hơn, các yêu cầu của tôi, những gì tôi muốn ở một căn hộ, đã thay đổi rồi”, cô nói.