Cơn sốt xe điện tại Trung Quốc có thể kết thúc kỷ nguyên dầu mỏ

Xe điện đang dần trở thành phương tiện phổ biến tại Trung Quốc. Là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, liệu Trung Quốc có thể bị tác động trước làn sóng tiêu dùng này.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, kể từ năm 2017 đến nay, doanh số bán ôtô điện của Trung Quốc đã vượt 18 triệu xe, chiếm gần một nửa tổng doanh số của thế giới và cao gấp 4 lần so với thị trường Mỹ. Dự báo đến năm 2026, ôtô điện có thể chiếm 50% tổng doanh số bán xe tại Trung Quốc.

Nhu cầu nội địa tăng vọt giúp các công ty Trung Quốc sớm xây dựng vị thế thống trị trong chuỗi cung cứng ôtô điện thế giới và khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu lo ngại nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang phương tiện chạy bằng điện tại Trung Quốc cũng để lại những ảnh hưởng vượt qua ranh giới của ngành công nghiệp ôtô.

Đe dọa thị trường dầu thế giới

“Nếu tốc độ tăng trưởng ôtô điện của Trung Quốc duy trì trong thập kỷ tới, mức tiêu thụ dầu toàn cầu có thể bị xáo trộn đáng kể”, Robert Brecha, Giáo sư chuyên về lĩnh vực bền vững tại Đại học Dayton (Ohio, Mỹ), nhận định.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhờ mức tăng trưởng tiêu thụ khổng lồ kéo dài 2 thập kỷ của quốc gia này mà giá dầu thô đã được đẩy lên mức 100 USD/thùng và tạo ra thế hệ tỷ phú đến từ Texas hay các tiểu vương quốc ở Trung Đông.

 Mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc được dự báo giảm còn 1 triệu thùng vào năm 2050. Ảnh: Bloomberg.

Mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc được dự báo giảm còn 1 triệu thùng vào năm 2050. Ảnh: Bloomberg.

Lĩnh vực vận tải chiếm gần một nửa tổng lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Do đó, tình trạng số lượng xe điện ngày càng tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm. Hồi tháng 8, Zhou Xinhuai - Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc CNOOC - tin rằng mức tiêu thụ dầu trong nước sẽ đạt đỉnh vào năm nay.

Thiếu những khách hàng như Trung Quốc, dầu có khả năng bị trượt giá và khiến các quốc gia mạnh về xuất khẩu như Nga hay Saudi Arabia lao đao. Xu hướng này thậm chí còn tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các “bạn hàng” quan trọng.

Tuy nhiên, những dự báo về thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu đạt đỉnh, đặc biệt tại Trung Quốc, vẫn còn quá sớm. Để tác động đến mức tiêu thụ dầu, xe điện bên cạnh yếu tố phổ biến cần có mật độ phủ sóng dày đặc, cơ sở hạ tầng phù hợp trên lãnh thổ rộng lớn.

Được mất khi dùng xe điện

Ôtô điện ở Trung Quốc có nhiều hình dạng và kích cỡ, từ những chiếc SUV Yangwang sang trọng có thể đi được 1.000 km trong một lần sạc cho đến chiếc Wuling Hongguang Mini cơ bản di chuyển được khoảng 120 km.

Tại một trạm xăng ở Thượng Hải, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy các công ty kinh doanh nhiên liệu hóa thạch truyền thống đang đặt cược vào quá trình chuyển đổi sang xe điện. Không chỉ có máy bơm xăng và dầu diesel, cơ sở được điều hành bởi Sinopec (nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc) còn có 20 trụ sạc màu xanh lá và một trạm đổi pin di động.

 Một trạm sạc xe điện tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Một trạm sạc xe điện tại thành phố Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Không chỉ Sinopec, mô hình trạm sạc tổng hợp đang ngày một phổ biến. Ước tính Trung Quốc có khoảng 2,5 triệu trạm sạc công cộng, bỏ xa phần còn lại của thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới hạ tầng cung cấp nhiên liệu là thành quả của kế hoạch giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ như State Grid của được giao nhiệm vụ triển khai các bộ sạc thì một số hãng tư nhân như Qingdao TGOOD Electric đã sớm nắm bắt cơ hội hợp tác để có sở hữu những vị trí tốt nhất.

Mất thời gian, nhưng đổi lại người dùng tiết kiếm chi phí nhiên liệu đáng kể. Li Yong, người sử dụng chiếc MPV điện Changan Auto để vận chuyển thịt từ trang trại ngỗng đến khách hàng cách đó vài trăm km, cho biết việc chuyển đổi giúp tiết kiệm khoảng 80% chi phí nhiên liệu.

Ưu tiên tính năng

Trung Quốc có nguồn điện rẻ nhất thế giới nhờ sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo và nguồn than giá rẻ. Quốc gia tỷ dân tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung điện của thế giới, trong đó điện than chiếm khoảng 60% sản lượng điện của nước này.

Li Long, người sáng lập một trong những đại lý xe điện đã qua sử dụng đầu tiên tại Vũ Hán, cho biết không giống như ở Mỹ và châu Âu, những lo ngại về khí hậu thường không nằm trong tầm ngắm của người mua Trung Quốc. Thay vào đó, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến những thứ sang trọng, tiện ích như màn hình kết nối mạng, hỗ trợ lái xe và đỗ xe tự động.

 Người tiêu dùng Trung Quốc không đặt nặng vấn đề môi trường. Ảnh: Bloomberg.

Người tiêu dùng Trung Quốc không đặt nặng vấn đề môi trường. Ảnh: Bloomberg.

Đó cũng là lý do tại sao ngành công nghiệp ôtô nội địa đang tăng gấp đôi về kiểu dáng và các thiết bị lạ mắt. Tại triển lãm ôtô Thượng Hải diễn ra hồi tháng 4, đám đông tham quan thường bị thu hút bởi những chiếc xe điện chạy bằng bánh 3 chiều hay những chiếc SUV có màn hình độ phân giải cao trải dài trên toàn bộ bảng điều khiển.

Trong suốt vòng đời 17 năm hoạt động, một chiếc Tesla ở Mỹ có thể thải ra lượng carbon dioxide ít hơn 55 tấn so với việc sử dụng lượng xăng tương đương.

Một số công ty như GEM Co. cũng đã nghĩ ra cách tái chế pin thông qua phương pháp hóa học để giảm thiểu lượng pin thải ra môi trường.

Sau nhiều ngày bị nghiền nát cơ học và phản ứng hóa học trong bể axit, pin bị biến đổi thành các thành phần ban đầu như nhôm và đồng ở vỏ hay các kim loại như lithium, niken, coban và mangan từ các tế bào bên trong. Tỷ lệ thu hồi nguyên liệu dao động từ khoảng 92% đến 99% so với ban đầu và chất lượng gần như được giữ nguyên.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-sot-xe-dien-tai-trung-quoc-co-the-ket-thuc-ky-nguyen-dau-mo-post1450822.html