Con trai Bà Tân Vlog phản ứng thế nào sau khi xóa hàng loạt clip bán mật ong hoa vải?
Hưng Vlog khẳng định mật ong hoa vải mà anh bán qua livestream trên TikTok với giá 215.000 đồng/2 lít là thật và đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con trai Bà Tân Vlog cũng giải thích lý do vì sao anh lại xóa hết các video bán hàng.
Thời gian vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tài khoản bán mật ong với xuất xứ khác nhau như mật ong hoa nhãn, mật ong hoa vải, mật ong rừng... với nhiều mức giá bán khác nhau từ 150.000 đồng/lít - 500.000 đồng/lít. Trong số đó, Hưng Vlog - một YouTuber, TikToker nổi tiếng cũng lấn sân vào lĩnh vực này. Cụ thể, Hưng Vlog bán mật ong hoa vải với giá công khai là 215.000 đồng/2 lít mật ong kèm theo miễn phí vận chuyển. Tính ra, mỗi lít mật ong được bán ra với giá khoảng hơn 100.000 đồng.
Trong những lần livestream bán hàng, Hưng Vlog vừa chiết mật ong từ thùng inox lớn vào chai nhựa 1 lít vừa quảng cáo và cam kết đảm bảo chất lượng mật ong mình bán. Để củng cố thêm niềm tin cho khách hàng, tại khu vực ngồi livestream còn có rất nhiều ong mật bay vo ve xung quanh, và đậu ngay chỗ vòi bơm mật.
Đáng chú ý, vừa qua, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ lại một phóng sự của VTV24 từng được phát sóng vào tháng 6/2022 với tiêu đề "Bắt quả tang cơ sở sản xuất hơn 2.000 lít mật ong giả từ đường" đã khiến dân mạng xôn xao. Theo đó, đội quản lý thị trường số 24, Cục quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Hoài Đức đã bắt quả tang cơ sở đang sản xuất mật ong từ đường, nha và nước cốt mạch nha, pha theo tỉ lệ.
Ngay sau khi đoạn clip trên được lan truyền, nhiều dân mạng nhanh chóng phát hiện ra, Hưng Vlog đã xóa hết các video quảng cáo "mật ong hoa vải" trên nền tảng TikTok. Trên kênh TikTok cá nhân, Hưng Vlog chỉ để lại những đoạn video cập nhật cuộc sống đời thường và những món ăn vặt khác được anh rao bán. Trên nền tảng TikTok, chỉ cần tìm hiếm từ khóa "Hưng Vlog" sẽ thấy xuất hiện khá nhiều các clip ngắn được cắt từ livestream trước đó và bày tỏ hoài nghi về chất lượng mật ong hoa vải mà TikToker này đã bán trước đó vì giá quá rẻ.
Mới đây, Hưng Vlog đã chính thức lên tiếng giải thích về những câu hỏi mà dân mạng đặt ra trong những ngày qua. Theo đó, nam YouTuber khẳng định mật ong hoa vải mà anh bán qua việc livestream TikTok 100% là mật ong thật của Bắc Giang.
"Thời gian gần đây, gia đình tôi chuẩn bị làm nhà thờ tổ tiên nên tạm thời không bán hàng. Tuy nhiên, tôi khẳng định đây là sản phẩm nông nghiệp của người dân Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Việc tôi xóa những clip bán hàng không phải do tôi có tật giật mình mà do sợ bị bóp tương tác. Kênh TikTok của tôi là một kênh giải trí nên tôi đã ẩn những video bán hàng đi", Hưng Vlog khẳng định.
Nói về việc mật ong hoa vải giá rẻ hơn so với giá thị trường, Hưng Vlog cho rằng, do đến mùa hoa vải nên người dân vừa mới thu hoạch được nhiều dẫn đến giá rẻ. Ngoài ra, Hưng Vlog cũng tiết lộ, nguồn gốc mật ong là do người này hợp tác bán hàng cho một HTX nông nghiệp ở huyện Lục Ngạn.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Nết, Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, xác nhận ông là người ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản mật ong và vải sấy khô với Hưng Vlog. Theo ông Nết, hai bên ký hợp đồng từ ngày 26/2, nên những giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ về mật ong hoa vải được Hưng Vlog bán trên mạng xã hội ông đều có thể cung cấp đầy đủ.
"Tôi cũng khá giật mình khi tài khoản mạng xã hội của tôi liên tục được mọi người nhắc đến trong những video cho rằng mật ong của Hưng Vlog là giả. Tuy nhiên, tôi khẳng định đó là mật ong thật, còn về giá rẻ là do năm nay người dân thu hoạch được mùa", ông Nết nói.
Theo ông Nết, mật ong hoa vải năm nay mua tại vườn chỉ có giá 50.000 - 60.000 đồng/lít, trong khi đó Hưng Vlog mua sỉ với số lượng lớn nên giá được ưu đãi tốt nhất. "Mật ong của người dân nuôi tại vườn khoảng 1 - 2 ngày là có thể thu hoạch, tùy vào mỗi tổ ong, thời gian thu hoạch có thể lâu hơn", ông Nết nói thêm và tiết lộ, ở Huyện Lục Ngạn hiện nay có khoảng hơn 100 hộ dân nuôi ong, có những hộ nuôi đến hàng nghìn tổ.