Con trai xin đặt 10 tỷ đồng để bảo đảm cho mẹ tại ngoại, luật quy định thế nào?

Dư luận đang quan tâm việc anh Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, ngụ quận 7, TP.HCM) đã có đơn gửi cơ quan tố tụng xin đặt 10 tỷ đồng để bảo đảm cho mẹ ruột là bị can Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại. Vậy, đặt tiền để đảm bảo có thay thế biện pháp tạm giam được hay không? Luật quy định như thế nào?

Ngày 24/10, anh Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, ngụ quận 7, TP.HCM) đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM xin đặt tiền để bảo đảm cho mẹ ruột là bị can Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại chữa bệnh.

Trong đơn, anh Nguyễn Quang Tuấn trình bày, bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) thường trú tại số 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM; Nơi ở số 6 Nguyễn Thông, phường 7, quận 3, TP.HCM có địa chỉ cư trú rõ ràng. Bà Hằng bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022 đến nay về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Bị can Nguyễn Phương Hằng

Bị can Nguyễn Phương Hằng

Anh Tuấn cho biết: “Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 07/8/2018, có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2018 về các điều kiện được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Đặt tiền để bảo đảm” để thay thế biện pháp “Tạm giam” quy định tại Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, tôi nhận thấy mẹ tôi có hội đủ các điều kiện như sau: Mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án gì; Có địa chỉ cư trú rõ ràng; Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.

Sau khi bị bắt đến nay, mẹ tôi cũng đã thành khẩn nhận sai và cam kết không vi phạm, nhiều lần tự viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi livestream trên mạng xã hội...; Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm”.

Theo anh Tuấn, bản thân bà Hằng đang phải điều trị nhiều bệnh như: cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loại lipid máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung… phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần chục năm nay. Đồng thời, bà Hằng là người chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi, con nhỏ và là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động.

Do vậy, anh Tuấn có đơn xin được đặt tiền để bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam cho bị can Nguyễn Phương Hằng cho đến khi kết thúc vụ án.

Nhiều độc giả thắc mắc, việc đặt tiền để đảm bảo có thay thế biện pháp tạm giam được hay không? luật quy định như thế nào?

Giải đáp tình huống trên, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, Điều 331 BLHS 2015, khung hình phạt từ 2-7 năm.

Theo phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 BLHS, đây là tội nghiêm trọng. Pháp luật tố tụng hình sự quy định không bắt buộc phải tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, người bị bệnh nặng, nếu bị can có nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, không có dấu hiệu bỏ trốn, không cản trở hoạt động điều tra... thì sẽ được xem xét trên cơ sở đơn đề nghị của người thân thích.

Đối với việc đặt tiền để bảo đảm, vì chuyên gia luật cho biết, pháp luật quy định đặt tiền để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 và Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể quyết định cho chính bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ (cụ thể trường hợp này là con trai bà Hằng) được đặt tiền để bảo đảm.

Những bị can bị cáo được cơ quan tố tụng chấp thuận đặt tiền để bảo đảm, thì phải làm giấy cam đoan thực hiện các nhiệm vụ như: có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, không mua chuộc cưỡng ép xúi giục người khác khai báo gian dối hoặc cản trở các hoạt động điều tra truy tố xét xử khác. Bên cạnh đó người thân thích của bị can, bị cáo được cơ quan điều tra viện kiểm sát, tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm giấy cam đoan không để bị can bị cáo vi phạm các nghĩa vụ.

“Đối chiếu quy định trên, con trai Bà Hằng hoàn toàn có thể đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam đối với mẹ mình. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bà Hằng, cùng những điều kiện cụ thể về thay đổi biện pháp ngăn chặn mà pháp luật tố tụng hình sự quy định, để chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đặt tiền bảo đảm của con trai bà Hằng, từ đó xem xét việc có thể quyết định cho bị can được toại ngoại hay không”, luật sư Khuyên nhấn mạnh.

Việt An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/con-trai-xin-dat-10-ty-dong-de-bao-dam-cho-me-tai-ngoai-luat-quy-dinh-the-nao-217489.html