Con trẻ đang mất dần mùa hè

Con trẻ đang mất dần mùa hè Nghỉ hè, theo đúng nghĩa là trẻ được gác lại bài vở, chuyện học hành để nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái sau một năm học đầy căng thẳng. Nhưng những năm gần đây, khái niệm ba tháng hè với những kỳ nghỉ, thư giãn của các em học sinh gần như không còn nữa.

Với học sinh nông thôn

Trẻ em nông thôn phần lớn sinh ra trong những gia đình bố mẹ làm nông nghiệp. Cuộc sống còn phụ thuộc nhiều vào ruộng vườn. Thu nhập của gia đình cũng chỉ trông vào đó. Việc nuôi từ hai con trở lên ăn học trong thời buổi này mà chỉ trông vào mấy sào ruộng quả là chật vật.

Vì thế, nghỉ hè chính là lúc các em phải tham gia cùng gia đình trong nhiều công việc. Một là để giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà nông: phơi lúa, rũ rơm, băm bèo, nấu cám, quét dọn nhà cửa, cho lợn gà ăn và trông coi nhà cửa… Đó là những công việc lặt vặt được xem là khá nhẹ và nó được “ưu tiên” với các em học sinh còn nhỏ tuổi độ 12 trở xuống.

Đối với trẻ lớn hơn, công việc các em phải đảm nhiệm cũng nặng hơn: khi phải ra đồng gặt lúa, lúc cuốc đất, vạc bờ. Số khác thì kiếm tiền để đầu năm học mới mua sách vở, đồ dùng học tập và rất nhiều khoản tiền phải đóng góp đầu năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuổi thơ của trẻ em nông thôn còn nhiều lam lũ, cực nhọc. Những ngày hè với các em vì thế không trọn vẹn. Tôi đã từng ứa nước mắt khi nhìn những hình ảnh trời nắng chang chang, người lớn ra khỏi nhà thì bưng bịt chỉ hở ra đôi mắt, phóng thật nhanh để tránh cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè mà có những em đầu không mũ, chân không dép lang thang ngoài bãi rác chỉ để kiếm những túi nilông hay mấy tấm bìa phế thải.

Chúng ta cũng không còn lạ gì với những hình ảnh nhiều em bé nhễ nhại mồ hôi, gò lưng đùn xe bò lúa cho bố mẹ trong những ngày tháng 6 chói chang. Hình ảnh những cô bé, cậu bé gầy gò, đen nhẻm vai khoác bao, tay cầm chổi đi quét thóc rơi vãi trên những con đường ngoài cánh đồng nắng cháy. Hay hình ảnh bé gái còn phải kiễng chân mới với được công tắc điện đã phải tay xách nước, tay cầm giẻ kì cọ xe máy cho khách, mồ hôi ướt đầm lưng áo.

Nhiều em, qua bạn bè, người làng giới thiệu cũng “đánh liều” lên thành phố kiếm việc. Và rồi, biết bao nhiêu nguy hiểm luôn rình rập, có em thì bị gia đình nhà chủ đối xử tệ bạc, bớt xén tiền công, có em từ những đứa trẻ ngoan, sau một thời gian lên thành phố kiếm sống, bắt đầu đua đòi, nhiễm vào người những thói hư, tật xấu. Ít thì nói tục, chửi bậy, nhiều là mải mê kiếm tiền, bỏ bê việc học, thậm chí sinh ra trộm cắp, cờ bạc, nghiện ngập.

Nói trẻ em nông thôn nghỉ hè ở ngoài đồng ruộng hay trên đường phố của các thành phố lớn có lẽ không có gì quá.

Học sinh thành phố

Hai vợ chồng là cán bộ công chức nhà nước, bé Bông mới chỉ đang thi chất lượng học kỳ hai mà anh Cường chị Hà đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Gửi con về quê thì xa quá, tận Yên Bái trong khi bố mẹ làm ở Hà Nội. Có nhớ con cũng chẳng chốc chốc chạy về thăm con được. Lại nữa, ông bà già cả rồi, anh chị cũng không yên tâm. Nhà quê ao chuôm nhiều, nhỡ ra... Còn để con ở nhà một mình thì lại càng không ổn.

Trẻ con ở chung cư bị tai nạn, hè nào chả có. Để con ở nhà như vậy còn lo hơn. Thôi, cách tốt nhất là gửi con đi học hè. Chị Hà bàn với chồng như thế. Giải pháp của chị Hà cũng là giải pháp của phần đông gia đình thành phố có con độ tuổi đi học khi hè đến.

Trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, đi kiếm ăn, vậy nếu không cho con đi học cái này cái kia, thì biết gửi con đi đâu, biết bầy ra cái gì để hết ngày hết giờ của con? Có chỗ để học, có chỗ để gửi con là lý tưởng lắm rồi. Đó là giải pháp tình thế.

Nhưng có không ít ông bố bà mẹ ở thành phố ngày nay quên mất rằng con mình là những đứa trẻ. Chúng cần được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Bố mẹ thường có tâm lý muốn con mình cái gì cũng phải biết. Việc học các môn năng khiếu như: võ, vẽ, nhạc, hát, múa… chỉ có thể phát huy hiệu quả khi bản thân người học có niềm đam mê, sự hứng thú và đặc biệt là phải thực sự có năng khiếu.

Thế nhưng đang tồn tại một thực tế là, có một số bậc phụ huynh ngộ nhận về “tài năng” của con mình, ép buộc các em phải theo học những môn năng khiếu mà bản thân các em không hứng thú và không có năng khiếu. Sự áp đặt của các bậc phụ huynh trong trường hợp này không những không làm phát triển “tài năng” như kỳ vọng mà còn có thể phản tác dụng khi gây ức chế cho trẻ. Bản thân các em nếu có tham gia học cũng chỉ học hình thức, đối phó, chủ yếu là để là “vui lòng” người lớn. Hậu quả của tâm lý đó là những đứa trẻ sau 9 tháng học hành ở trường, lại phải tiếp tục ba tháng học hè.

Các em mất đi tuổi thơ của mình. Sức ép học hành đè nặng lên vai con trẻ và cả bố mẹ dường như không ngơi nghỉ. Chính những sức ép này đặt bố mẹ và con trẻ trong một cuộc đua...

Hãy cho con một mùa hè bổ ích

Việc bắt trẻ đi làm quá sức hay ép con em đi học thêm hè triền miên như vậy là một sự sai lầm của phụ huynh. Các bậc làm cha làm mẹ đang xâm phạm đến quyền được nghỉ ngơi chính đáng của các em và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tự nhiên của các em ở lứa tuổi này. Vậy, cha mẹ phải làm thế nào để con có một mùa hè thật sự bổ ích?

Cha mẹ nên có kế hoạch về kỳ nghỉ hè của con. Nếu con thực sự thích tham gia các lớp học năng khiếu (đàn, hát, múa, vẽ...) thì cần tạo điều kiện cho con dự các lớp học này để con có điều kiện bộc lộ năng khiếu của mình. Bố mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia các lớp học kỹ năng sống hoặc tham gia hội trại hè do địa phương tổ chức. Sự giao lưu sẽ giúp trẻ cởi mở hơn, sống hòa đồng hơn và quan trọng là trẻ sẽ học hỏi được nhiều ở môi trường xung quanh, những điều mà chắc chắn sách vở chưa đề cập tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dạy con làm việc nhà chính là một cách dạy trẻ cách chia sẻ công việc, sự vất vả với bố mẹ. Cũng là để trẻ tập dần sự tự lập. Cha mẹ nên dạy con từ việc đơn giản đến việc phức tạp; từ việc nhỏ đến việc lớn. Tùy theo tuổi mà bố mẹ giao việc cho con phù hợp. Cho con về quê với ông bà cũng là một giải pháp tốt.

Chín tháng trời trẻ phải miệt mài sách vở. Cho trẻ về quê để thay đổi không khí. Cũng là để trẻ được hòa mình với thiên nhiên, được thực tế các kiến thức được học trong sách vở. Tuyệt đối không bắt trẻ làm những công việc quá với sức của chúng. Hãy để cho những kỳ nghỉ hè của trẻ không phải là những giấc mơ xa xỉ.

-> 9 điều cần làm hàng ngày để con sống độc lập, tự tin ngay khi còn nhỏ

Tuệ Nguyên

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/con-tre-dang-mat-dan-mua-he-d181999.html