Con vàng, con bạc

Làm cha mẹ, ai mà chẳng yêu thương con của mình. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại yêu thương thái quá, coi con mình là 'con vàng, con bạc' muốn gì được nấy, mọi đòi hỏi đều được phục vụ vô điều kiện.

Khi có người góp ý về cách dạy con là họ lại tìm cách chống chế: Tôi chỉ có mỗi một đứa con, không thương nó thì thương ai, hay: Tôi phải làm mọi cách để có được nó, không phục vụ nó thì phục vụ ai. Chính vì vậy hễ con hắt hơi sổ mũi một chút, hay lăn ra khóc lóc ăn vạ là cha mẹ lại cuống cuồng cả lên. Cách nuôi dạy này tạo cho trẻ có thói quen bắt tất cả mọi người phải phục vụ nhu cầu của mình, càng lớn càng ích kỷ, chỉ biết có bản thân mình mà thôi.

Điều vô lý là cha mẹ không hề khuyên bảo, giải thích cho con mà lại càng bênh vực con khi con làm sai, còn đòi hỏi tất cả mọi người cũng phải xem con họ là “nhất”. Chị N, một cô giáo mầm non tâm sự: Có những phụ huynh rất vô lý, hai trẻ đánh nhau, làm người lớn đáng lý thấy thì chạy lại can ra rồi giải thích cho cả hai hiểu rằng đánh bạn là việc làm không nên, khuyên bảo con không làm như vậy nữa, Đằng này thấy con mình đánh nhau với bạn thì chưa cần tìm hiểu xem lý do tại sao đã đùng đùng chạy lại đánh bạn hộ con hoặc quát nạt đứa trẻ kia. Chưa cần biết bé nào là người sai trước, nhưng hành động của phụ huynh là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Người lớn lại ra tay bạo lực với trẻ em hay quát nạt trẻ em thì thật là quá đáng. Còn có những phụ huynh xem con là vàng là bạc, cho con đi học đòi hỏi cô giáo phải chăm sóc đặc biệt, hễ con mà về mách bạn này bạn nọ đánh con, ghẹo con hay cô giáo la con, khẽ tay con thôi là sáng mai lên trường lớn tiếng hạch sách cô giáo. Có phụ huynh còn lên tận ban giám hiệu làm rần rần chỉ vì con bị cô giáo khẽ tay, dù có giải thích cỡ nào vẫn khăng khăng “chỉ có tôi mới có quyền đánh con, không ai được quyền đánh con tôi hết, kể cả khẽ tay”. Nhìn cách hành xử của cha mẹ thôi thì dễ hiểu vì sao con lại ngang ngược, hỗn láo cả với giáo viên.

Tâm sự của cô N cũng là tâm sự của nhiều giáo viên. Nhiều giáo viên cho hay gặp những phụ huynh xem con hơn vàng hơn bạc thì chỉ còn cách nhịn đi cho xong, càng đôi co càng thiệt thân mình. Nhiều thầy cô nói đùa bây giờ nghề đi dạy là nghề nguy hiểm nhất. Đã có nhiều vụ việc phụ huynh xông tận lớp mắng cô giáo hay thậm chí là tấn công giáo viên vì bênh vực cho con. Họ cho rằng giáo viên làm sai họ có quyền “xử lý” giáo viên. Thái độ ngang ngược như vậy, cách hành xử thiếu văn hóa như vậy dù là ở ngoài chợ búa cũng khó chấp nhận được huống chi là ở trường học – một môi trường giáo dục những điều hay, lẽ phải cho học sinh.

Những đứa con sinh trưởng trong gia đình như vậy sẽ hiểu rằng cha mẹ yêu thương, cưng chiều mình vô điều kiện nên luôn ra yêu sách bắt cha mẹ phải chiều theo, khi không được đáp ứng nhu cầu, trẻ sẽ làm những việc nổi loạn mà phụ huynh không thể kiểm soát được. Không những vậy trẻ sẽ có suy nghĩ méo mó cho rằng tất cả mọi việc cha mẹ đều lo được, cho dù có phạm phải lỗi sai tày đình như thế nào đi nữa cha mẹ cũng sẽ bênh vực, giải quyết hết. Từ đó trẻ làm những việc nổi loạn như đua xe, tụ tập ăn chơi, đánh nhau, thậm chí hút chích… Chỉ cần cha mẹ phản đối là trẻ sẵn sàng bỏ nhà ra đi với suy nghĩ “ra đi sẽ hù dọa cho cha mẹ sợ, ba mẹ sẽ đau khổ và phải đáp ứng theo”. Ra ngoài xã hội, rời xa vòng tay bảo bọc của ba mẹ, thiếu kỹ năng sống, tâm lý ngạo mạn… dễ đẩy trẻ vào những việc làm vi phạm pháp luật.

Tóm lại, cha mẹ thì ai chẳng yêu thương con, nhưng tình thương phải được sử dụng đúng nơi đúng chỗ, thương thì thương vẫn phải nghiêm khắc dạy dỗ con mình. Chiều theo con, đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện, bênh vực con trong mọi hoàn cảnh chỉ tạo ra tâm lý ỷ lại, thái độ ngạo mạn, suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi làm hư con mà thôi. Nên nhớ, giáo dục gia đình là quan trọng nhất, “uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”, đừng bao giờ nghĩ rằng con cái còn nhỏ không biết gì mà chiều theo chúng. Càng không biết gì càng nên dạy nghiêm để con hình thành những thói quen tốt, suy nghĩ tích cực, nhận biết được những hành vi đúng và hành vi chưa đúng mà sửa chữa. Có như vậy, khi lớn lên, con mới có tính tự ý thức, tự điều chỉnh được hành vi của mình.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/con-vang-con-bac-116113.html