Con vắt dài 4 cm sống trong mũi người phụ nữ suốt 3 ngày

Sau nhiều ngày chảy máu mũi kèm theo cảm giác đau nhức, người phụ nữ đi khám và được bác sĩ làm thủ thuật gắp ra một con vắt còn sống.

 Con vắt được gắp ra từ mũi nữ bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Con vắt được gắp ra từ mũi nữ bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Người phụ nữ đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình khám với triệu chứng đau nhức vùng đầu, mặt và chảy máu mũi từng đợt trong 3 ngày. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi phải người bệnh. Dị vật gắp ra được xác định là một con vắt rừng vẫn còn sống.

Trước đó, người bệnh có uống nước ở suối khi đi hái lá rừng. Sau khi về nhà, cơ thể chị bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như trên.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hữu Quân, khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, cho biết vắt là vật sống có giác hút rất chặt, có thể gây chảy máu kéo dài ở vật chủ.

Loài này có tập tính chui vào các hốc tự nhiên như tai, mũi, họng ở người và động vật để ký sinh. Chúng thường di chuyển vào mũi, sau đó xuống thanh quản gây co thắt thanh quản. Trong trường hợp vắt di chuyển xuống phế quản sẽ khó phát hiện hơn.

Nếu không được khám và xử lý kịp thời, con vắt/ đỉa sẽ ngày càng to gây nghẽn thanh - khí quản, dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Quân khuyến cáo người dân khi đi rừng, nương, suối có thể tránh bị vắt ký sinh bằng cách không rửa mặt hay uống nước ở khe suối, sông.

Khi bị vắt rừng (hoặc đỉa) chui vào đường thở, biểu hiện thường thấy là cảm giác khó chịu ở mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi. Lúc này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và gắp ra kịp thời.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nói chung và vắt nói riêng, người dân cũng cần tuân theo một số nguyên tắc an toàn trong ăn uống như "ăn chín, uống sôi", ăn rau sống phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy. Giữ thói quen rửa tay sạch sẽ trước, sau bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-vat-dai-4-cm-song-trong-mui-nguoi-phu-nu-suot-3-ngay-post1502186.html