Con voi Cảm tính và Người quản tượng Lý trí

Mỗi chúng ta đều sở hữu hai sinh vật độc lập bên trong: một con voi hoang dã và một người quản tượng điều khiển.

Một số cảm xúc đã phát triển trong những môi trường hoàn toàn khác với môi trường chúng ta đang sống ngày nay. Ví dụ, nỗi sợ tiếp cận người lạ rất có thể đã bắt nguồn từ lịch sử xa xưa khi con người vẫn còn sống thành từng nhóm nhỏ trong hang động, và người lạ có thể là mối đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngày nay, thế giới thay đổi quá nhanh, khiến cảm xúc của con người không kịp thích nghi theo. Vì vậy, cảm xúc có xu hướng phản ứng thiếu phù hợp và không còn là yếu tố hỗ trợ con người. Cảm xúc trở thành rào cản mà ta cần học cách vượt qua. Đây là lý do vì sao kỹ năng tự điều chỉnh là rất quan trọng.

Làm thế nào để kiểm soát những cảm xúc đang làm bạn chậm lại? Làm thế nào để vượt qua các cảm xúc tiêu cực làm bạn tê liệt, khiến bạn trì hoãn? Làm thế nào để cải thiện khả năng tự điều chỉnh của mình? Để hiểu giải pháp này, ta có thể dùng phép hoán dụ cổ xưa của Phật giáo về con voi và người quản tượng. Nó đơn giản và dễ hình dung đến mức người ta rất hay sử dụng trong tâm lý học đương đại.

 Ảnh minh họa sách.

Ảnh minh họa sách.

Con voi Cảm tính và Người quản tượng Lý trí

Nói theo lối hình tượng, mỗi chúng ta đều sở hữu hai sinh vật độc lập bên trong: một con voi hoang dã và một người quản tượng điều khiển. Con voi tượng trưng cho cảm xúc, người quản tượng chính là lý trí. Khác biệt về kích thước giữa con voi và người quản tượng thể hiện sự mất cân bằng của các kết nối giữa hệ viền cảm xúc và vỏ não lý trí.

Tự điều chỉnh là khả năng điều khiển con voi của người quản tượng. Người quản tượng càng thành thạo và khỏe mạnh thì càng điều khiển được con voi đi thẳng hàng và đúng hướng. Còn nếu người quản tượng yếu ớt hoặc mệt mỏi, anh ta sẽ mất khả năng điều khiển con voi.

Tự điều chỉnh

Cũng như người quản tượng phải học cách điều khiển con voi để dẫn nó đi đúng hướng, ta phải học cách chủ động kiểm soát cảm xúc của mình để từ đó tiến những bước đi đúng đắn hướng tới hoàn thành tầm nhìn cá nhân.

Người quản tượng đi theo tầm nhìn của bạn, chưa đủ. Con voi cũng phải đi theo tầm nhìn của bạn. Khi có sự đồng điệu giữa người quản tượng và con voi, bạn sẽ đi vào trạng thái dòng chảy. Con voi thích thú việc mình làm, và người quản tượng biết những gì bạn đang làm phù hợp với tầm nhìn của bạn.

Làm thế nào để học cách điều khiển con voi? Làm thế nào để thuần phục con voi? Khả năng tự điều chỉnh dựa trên cơ sở gì?

Nguồn lực nhận thức: Chìa khóa để tự điều chỉnh

Các nghiên cứu cho thấy khả năng tự điều chỉnh bị hạn chế và phụ thuộc vào thứ được gọi là nguồn lực nhận thức (cognitive resources). Trong phép hoán dụ con voi và người quản tượng, nguồn lực nhận thức của mỗi người được minh họa qua mức năng lượng hiện tại của người quản tượng.

Hãy tưởng tượng đó là một cốc nước. Mỗi khi bạn tự thuyết phục mình hành động, nguồn lực nhận thức của bạn sẽ bị rút cạn – nước bị đổ ra khỏi cốc.

Khi đã sử dụng hết toàn bộ nguồn lực nhận thức, bạn sẽ mất khả năng tự điều chỉnh, và cảm xúc của bạn sẽ chiếm thế thượng phong. Người quản tượng mất hết năng lượng và không còn sức để điều khiển con voi.

Con voi bắt đầu muốn làm gì thì làm. Nó xem tivi, lướt Facebook không ngừng, uống rượu, hút thuốc, lừa dối, ăn uống thả phanh, xem phim khiêu dâm hoặc mua sắm vô độ. Con voi bắt đầu khiến bạn trì hoãn.

Tin tốt là bạn có thể nạp đầy nguồn lực nhận thức trong ngày, thậm chí còn có thể tăng tổng dung tích. Điều này nghĩa là bạn không chỉ có thể đổ đầy ly nước tưởng tượng của mình mà còn có thể làm cho chiếc ly trở nên lớn hơn.

Petr Ludwig, Adela Schicker/Fonos - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-voi-cam-tinh-va-nguoi-quan-tuong-ly-tri-post1466822.html