Còn ý kiến khác nhau về việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Ngày 21-5, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nên đưa quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên có một luật riêng điều chỉnh đối tượng hộ kinh doanh.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), cả nước hiện có trên 500 triệu hộ kinh doanh. Trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP.

Do đó, đại biểu cho rằng, rất cần thiết và xin thống nhất nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định cụ thể là Nghị định 78 lên thành luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Ảnh: Quochoi.vn

“Mặc dù hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bình đẳng với mọi loại hình kinh doanh khác. Tuy nhiên hộ kinh doanh có rất nhiều điểm khác biệt. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý”, đại biểu Dương Minh Tuấn phân tích.

Cùng quan điểm, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng), cho rằng không nên quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp.

Theo quan điểm của đại biểu, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Việc quy định chung trong Luật Doanh nghiệp nhưng thực chất là độc lập, hộ kinh doanh chỉ được điều chỉnh trong Chương VII mà thôi.

Đại biểu Mai Hồng Hải cũng phân tích, nội dung quy định cụ thể về hộ kinh doanh trong Dự thảo cũng còn sơ khai, tương tự như quy định về đăng ký hộ kinh doanh trong Nghị định 75/2015. Đồng thời còn một số điểm không rõ ràng.

Cụ thể như: Dự thảo luật về hộ kinh doanh nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể do các thành viên gia đình cùng đăng ký, nhưng thành viên gia đình theo khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì rất là rộng, thành viên gia đình bao gồm: Vợ, chồng, cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha, mẹ vợ; cha, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha, mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha, mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; ông, bà nội, ông, bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, bác ruột và cháu ruột. Như vậy, hộ kinh doanh sẽ là họ kinh doanh.

“Luật có quy định về hộ gia đình, nhưng thế nào là hộ gia đình thì không rõ. Hộ gia đình kinh doanh có đồng nhất với hộ kinh doanh không? Trong Luật Dân sự cũng không giải thích khái niệm về hộ gia đình”, đại biểu Mai Hồng Hải nói.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ sự tán thành với phương án của Chính phủ về việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp. Đại biểu cho biết, từ Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự của hộ kinh doanh đã bị bãi bỏ. “Đó là quyết định hoàn toàn chính xác của Bộ luật Dân sự. Bởi vì tham gia vào các hoạt động dân sự, tham gia vào các hoạt động kinh doanh chỉ có thể có 2 chủ thể. Một là pháp nhân, hai là cá nhân, không có lại nửa nọ nửa kia, chung chiêng ở giữa”. Đại biểu phân tích, với quy định của Bộ luật Dân sự, hiện nay các cá nhân trong hộ kinh doanh chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò đại diện và các hộ không có tư cách pháp nhân để triển khai các hoạt động kinh doanh. Do vậy nếu tiếp tục duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Trên phạm vi thế giới, đại biểu cho biết, các nước đều quy định rằng kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Chủ thể hoạt động kinh doanh được coi là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có 2 loại, một là cá nhân, hai là pháp nhân. Pháp nhân là công ty và cá nhân là công ty một chủ. Các thành viên trong gia đình khi tiến hành kinh doanh, ví dụ như mở một cửa hàng tạp hóa, mở một cửa hàng ăn nhỏ hay mở một cơ sở dịch vụ nhỏ thì hầu hết các nước đều chọn hình thức doanh nghiệp một chủ.

Doanh nghiệp một chủ hiện nay đang chiếm tới 60% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu, ngay cả Mỹ thì doanh nghiệp một chủ cũng chiếm tới 73% tổng số doanh nghiệp có đăng ký. Ở Việt Nam thì doanh nghiệp một chủ, tức là doanh nghiệp tư nhân của nước ta hiện nay chỉ chiếm 7%-8%.

“Đây là một nghịch lý mà nghịch lý này chỉ có thể được giải thích rằng chúng ta đã không coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp. Nếu chúng ta cộng cả 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào đây thì tổng số lượng doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam do các cá nhân đăng ký thì đã chiếm 77%, 78%. Và tỷ lệ này hoàn toàn tương đồng với tỷ lệ doanh nghiệp một chủ của các nền kinh tế trên thế giới và đây chính là thực tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Nhấn mạnh bản chất pháp lý của hộ kinh doanh là doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị phương án đột phá là Luật Doanh nghiệp quy định luôn hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam.

“Nếu thận trọng hơn thì tôi đồng ý với phương án của Chính phủ quy định hộ kinh doanh như một chương của Luật Doanh nghiệp và để chúng ta có một bước đệm tiến tới một bộ luật doanh nghiệp, hướng tới chuẩn mực chung của thế giới. Phương án của Chính phủ trình thì chấp nhận được, thực tế hiện nay trong hệ thống pháp luật vẫn có quy định riêng cho hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, cho nên chúng ta không cần phải sửa đổi nhiều và chúng ta vẫn có thể áp dụng ngay và áp dụng luôn được”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp dù theo phương án nào thì cũng không phải là đưa ra những quy định để trói buộc các hộ kinh doanh. Mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về quan điểm của một số đại biểu cho rằng cần xây dựng riêng một bộ luật về hộ kinh doanh, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng không nên. Bởi theo đại biểu, nếu thực hiện phương án này thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có luật về hộ kinh doanh, khác với thông lệ quốc tế sẽ rất khó cho hộ kinh doanh hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.

Mặt khác, hiện Bộ luật Dân sự đã xóa bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh. “Nếu không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì Chính phủ không thể nào có hướng dẫn về đăng ký hộ kinh doanh được, bởi vì điều này trái với Luật Dân sự. Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của Quốc hội như thế này ít nhất phải 2-3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2-3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ, bởi vì Luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích và đề nghị Quốc hội cân nhắc khi quyết định đưa hộ kinh doanh và Luật Doanh nghiệp.

Trước các ý kiến khác nhau về việc có quy định đối tượng hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến này.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/con-y-kien-khac-nhau-ve-viec-dua-ho-kinh-doanh-vao-du-thao-luat-doanh-nghiep-sua-doi-194026.html