Công an 16 tỉnh, thành được lệnh đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ

Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương cử lực lượng phân luồng, cắm biển cảnh báo bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu.

Ngày 12/9, Bộ Công an có công điện gửi công an các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Công điện gửi giám đốc công an 16 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Lực lượng công an tham gia đắp đê ngăn lũ sau cơn bão số 3.

Lực lượng công an tham gia đắp đê ngăn lũ sau cơn bão số 3.

Những ngày qua, Bắc Bộ liên tiếp xảy ra mưa lớn trên diện rộng, lũ tại thượng nguồn vượt mức lịch sử. Bên cạnh đó, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng về người và tài sản.

Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du, nhưng lũ trên nhiều tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Theo dự báo, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình còn duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng phân luồng, cắm biển cảnh báo bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Kiên quyết không để người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông khi không bảo đảm an toàn; triển khai lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kéo dài, phòng chống hộ đê, xử lý các sự cố "ngay từ giờ đầu", không để bị động, bất ngờ.

Công điện yêu cầu công an các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ", rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, mất an toàn để có phương án sơ tán, di dời người dân, nhất là khu vực ngoài bãi sông.

"Kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao, trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân", Bộ Công an yêu cầu.

Ngoài ra, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng bão lũ, thiên tai để hoạt động tại các khu vực sơ tán dân cư.

Sau bão và mưa lũ, các đơn vị cần chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc men để chi viện công an các địa phương khi có yêu cầu, bảo đảm thông tin liên lạc.

Bộ Công an cũng giao Cục Trang bị và Kho vận chủ trì, phối hợp công an các địa phương vận chuyển 100 tấn gạo đến tận tay người dân.

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê thiệt hại tính đến 6h ngày 12/9 có 326 người chết, mất tích (181 người chết, 145 người mất tích).

Trong đó, tại thôn Làng Nủ của tỉnh Lào Cai, lực lượng chức năng tìm thấy 44 người tử vong do lũ quét, hiện còn mất tích 51 người. Số người bị thương đang điều trị là 17 người, 46 người được xác định an toàn.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cong-an-16-tinh-thanh-duoc-lenh-dam-bao-an-toan-de-dieu-tren-cac-song-o-bac-bo-192240912160013133.htm