Công an 8 tỉnh ký giao ước phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc'
Sáng 14/3, tại Vĩnh Phúc, Cụm thi đua số 4 Bộ Công an tổ chức hội nghị triển khai thực hiện phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2023.
Cụm thi đua số 4 Bộ Công an gồm 8 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương.
Với khẩu hiệu “Xây dựng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, năm 2023, Công an 8 tỉnh thuộc Cụm thi đua số 4 thống nhất ký giao ước thi đua với 5 nhiệm vụ đột phá, 3 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: Tăng cường quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an; phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong quản lý, giáo dục, đào tạo cán bộ.
Lực lượng Công an quan tâm làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tích cực phổ biến các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Công an các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so năm 2022; tỷ lệ điều tra, phá án đạt hơn 75%, trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 90%.
Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt hơn 90%. Đồng thời, lực lượng Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết các vấn đề phức tạp về tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Cụm thi đua số 4 cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNelD. Tăng cường trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin và phối hợp, hỗ trợ giải quyết tốt các vấn đề phát sinh và các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự.