Công an cả nước hiến máu tình nguyện theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư: Cám ơn các anh, những người lính vì nhân dân quên mình
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày 'Toàn dân hiến máu tình nguyện' và Thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, ngay lập tức đã lay động mọi trái tim chiến sĩ, lan tỏa trong toàn lực lượng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện", ngày 6/4, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần vì nhân dân phục vụ, tiếp tục thực hiện các Công điện Mệnh lệnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh trấn áp tội phạm và phòng chống dịch Covid-19, đồng thời với nghĩa cử cao đẹp "mỗi giọt máu đào cho đi, một cuộc đời ở lại" để tham gia tình nguyện hiến máu cứu người.
Bức thư của người đứng đầu ngành công an ngay lập tức đã lay động mọi trái tim chiến sĩ, lan tỏa trong toàn lực lượng.
Nắm bắt tinh thần này, ngay từ chiều 8/4, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Lễ phát động phong trào hiến máu tình nguyện trong lực lượng Công an nhân dân với chủ để "Hành trình giọt máu nghĩa tình".
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu toàn lực lượng động viên CBCS tham gia hiến máu, với mục tiêu Công an địa phương phấn đấu tình nguyện hiến hơn 1.000 đơn vị máu, trong đó Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh mỗi đơn vị hiến 5.000 đơn vị máu; đặc biệt chú trọng nhóm máu hiếm. Những người tham gia hiến máu tập trung là lực lượng cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên CAND, học viên, sinh viên các học viện, trường CAND, Cảnh sát cơ động (CSCĐ)...
Tiếp sau đó, Công an các đơn vị, địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Điện Biên, Cà Mau, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hậu Giang, Ninh Bình, Đắk Nông, An Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Hòa Bình, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy... đã tổ chức hiến máu tình nguyện.
Càng thuyết phục hơn khi lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cùng tham gia hiến máu, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, như: Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ; Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng; Đại tá Nguyễn Văn Trầm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định...
Trong vòng một tuần sau đó, có 3 địa phương đã tổ chức hiến máu lần 2 là Công an TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Yên Bái; riêng Công an tỉnh An Giang đã tổ chức hiến máu lần thứ 3.
Có 14 đơn vị, địa phương (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Học viện Chính trị CAND, Cục Tổ chức cán bộ, Cục Ngoại tuyến, Cục Hậu cần, Trường Cao đẳng CSND I, Trường Cao đẳng ANND I, Công an TP Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương) đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện 19-8 hoặc các cơ sở y tế địa phương xây dựng kế hoạch và đăng ký lịch tổ chức hiến máu tình nguyện (từ ngày 15/4 đến 28/4) với lượng máu dự kiến hơn 4.900 đơn vị máu. Nếu năng lực của các đơn vị tiếp nhận tăng lên thì lực lượng công an dự kiến hiến 100.000 đơn vị máu.
Con số thống kê trên đã phần nào thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, đoàn kết và gắn bó từ lực lượng chiến sĩ công an nhân dân.
Phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ lan tỏa sâu rộng ở trung ương, xuống tận từng cơ sở mà trước đó, tâm niệm "mỗi giọt máu đào cho đi, một cuộc đời ở lại" vốn đã thấm nhuần trong trái tim của rất nhiều chiến sĩ công an vốn ở vùng sâu, vùng xa.
Tại Sơn La, ngày 25/3/2020, chị Thảo Thị Dy, sinh năm 1994, trú tại bản Hua Ngáy, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng mất máu nhiều nguy hiểm đến tính mạng, cần truyền gấp 4 đơn vị máu thuộc nhóm máu hiếm, trong khi đó dự trữ máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đang thiếu, gia đình chị Dy không có ai cùng nhóm máu với chị.
Trong lúc cả gia đình đang tuyệt vọng, không biết nhờ ai để hiến máu thì Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Sơn La đã nhanh chóng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La để hiến máu truyền cho chị Thào Thị Dy, kịp thời cứu chị Dy vượt qua cơn nguy hiểm tính mạng, trao lại cuộc sống và niềm vui cho gia đình chị Dy.
Tại Đắk Lắk, Thượng úy Nguyễn Thành Công, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có nhiều lần đến Bệnh viện hiến máu để kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm.
Những hình ảnh, thông tin này đã gây xúc động trái tim bao người. Bộ trưởng Tô Lâm trong bức thư gửi 2 cán bộ, chiến sỹ cũng đã nhấn mạnh, hành động của Thiếu úy Vàng Ly Công và Thượng úy Nguyễn Thành Công đã thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ, mang tính nhân văn cao cả, là những chiến sĩ tiên phong, đi đầu hưởng ứng, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện"…
Chiến trường nào cũng có gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong thời điểm, khi mà cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đang còn vô cùng gian nan, thì hình ảnh những chiến sĩ công an ngày đêm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền phòng, chống dịch bất chấp thời tiết mưa rét nhưng vẫn hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện đã khiến bao người xúc động.
"Cho đi là nhận lại". Có vô vàn cách thức để cho đi, nhưng ở đây, các chiến sĩ công an đã chọn cách cho đi đẹp nhất là hiến máu, dù trong hoàn cảnh chính họ cũng đang vô cùng mệt mỏi và áp lực vì chống dịch.
Cảm ơn các chiến sĩ công an nhân dân đã sẵn sàng vì nhân dân quên mình!