Công an các tỉnh miền Trung sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Đến chiều nay (11/10), nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh miền Trung mưa đã giảm, nước lũ rút chậm. Tại những nơi nước còn ngập sâu, lực lượng Công an tiếp tục ứng trực không cho người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Còn ở những nơi lũ đã rút, lực lượng Công an bám sát địa bàn cơ sở, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống.
Tại Quảng Trị, vào lúc 15h30 hôm nay 11/10, đơn vị sửa chữa đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Quảng Trị đi Quảng Bình hiện đang tổ chức lực lượng, phương tiện khắc phục một điểm sạt lở lớn đất, đá tại đây.
Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cử một tổ công tác hướng dẫn người, phương tiện tham gia giao thông không được qua lại đoạn đường này trong lúc đang thi công.
Trước đó, vào đêm 10/10, tại Km169+100 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cợp, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa đã xảy ra sạt lở lớn.Một lượng đất, đá với hàng nghìn m3 đã đổ sập xuống mặt đường, làm tắc hoàn toàn tuyến đường từ xã Hướng Lập ra hướng tỉnh Quảng Bình.
Vào cuối năm 2020, sau các đợt mưa lũ dài ngày, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua các xã Hướng Lập, Hướng Việt (Hướng Hóa) cũng đã xảy ra sạt lở lớn, gây cô lập 2 xã này trong thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến 9h sáng 11/10, hầu hết ngầm, cầu tràn bị ngập lũ cục bộ trước đó đã rút, người dân có thể đi lại bình thường. Riêng cầu tràn Ba Lòng, huyện Đakrông và ngầm tràn ở thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa vẫn còn bị ngập sâu chưa thể đi lại được.
Tại tỉnh Quảng Nam, khi nước lũ vừa rút, Công an xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc đã huy động lực lượng, phối hợp với Đoàn Thanh niên xã giúp người dân thôn Hà Dục Đông dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả sau lũ.
Công an xã Đại Lãnh đã cùng tham gia rửa trôi bùn đất giúp người dân, di dời bao tải thóc đến nơi khô ráo và dọn vệ sinh, không để nước tù, nước đọng nhằm không cho muỗi có điều kiện sinh sôi, dễ bùng phát bệnh sốt xuất huyết sau lũ.
Trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn xã Tam An, huyện Phú Ninh, do nước lũ rút chậm nên đến trưa nay vẫn còn ngập sâu khoảng 0,5m nên lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam vẫn đang tiếp tục chốt chặn để điều tiết, hướng dẫn cho các xe tải lớn, xe khách trên 29 chỗ đi qua để đảm bảo an toàn.
Chiều cùng ngày 11/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lũ những ngày qua đã làm 2 người chết, 1 người mất tích.
Cụ thể, 2 người chết gồm ông Đoàn Văn Hương (SN 1968, trú khối phố Đông Trà, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ), chết do bị nước lũ cuốn trôi khi nhảy cứu một học sinh lớp 9 bị lũ cuốn trôi vào ngày 10/10, học sinh này đã được cứu sống; chị Lương Thị Mỹ Linh (SN 1985, trú xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành), bị chết do nước cuốn trôi ngày 10/10.
Người mất tích là chị Hồ Thị Dâu (SN 1994, trú xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) bị nước cuốn trôi khi đi qua sông Nước Na (địa phận giáp ranh xã Trà Cang với xã Trà Nam) vào ngày 9/10.
Về công tác di dời, sơ tán dân, theo số liệu báo cáo từ các địa phương, để ứng phó với đợt mưa lớn từ ngày 9-11/10, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động di dời sơ tán 1.237 hộ/42.762 nhân khẩu tại các vùng có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất. Hàng ngàn ngôi nhà của người dân Quảng Nam bị ngập sâu, nặng nhất là tại các địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Nông Sơn…
Tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cập nhật đến 11h30 ngày 11/10, một số tuyến đường bị sạt lở như đường Trường Sơn Đông (sạt lở taluy dương tại Km29+450, Km76+600, dự kiến thông xe bước 1 lúc 17h ngày 11/10); QL24C (sạt lở tại Km89+450 đoạn qua xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, dự kiến thông xe lúc 16h ngày 11/10); nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập nước từ 0,4-1,2m, có nơi ngập đến 3m (huyện Nông Sơn)...
Tại Quảng Ngãi, thực hiện Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức ứng phó, giúp dân bảo đảm an toàn trong mưa, lũ.
Theo đó, chiều tối ngày 10/10, tại khu vực cầu Kà Tinh, Km37 + 559, tỉnh lộ 622B thuộc xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng đã xảy ra sạt lở núi gây ách tắc giao thông, làm sụp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh 1, hiện tại một công nhân trực tổ máy bị mất liên lạc. Lực lượng Công an huyện Trà Bồng, Công an xã Trà Sơn khẩn trương tìm cách tiếp cận hiện trường. Đồng thời tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh triển khai các biện pháp khắc phục sạt lở.
Cùng với đó, Công an các huyện, thị xã và TP Quảng Ngãi đã kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển báo không để người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm như: điểm bị sạt lở; cầu, tràn, tuyến đường bị ngập sâu.
Dự báo tình hình mưa, lũ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, lực lượng Công an toàn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp công tác ứng phó với mưa, lũ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và người dân khi có yêu cầu.
Tại Thừa Thiên - Huế, trước thực trạng bờ biển ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, bị sạt lở, sóng biển xâm thực nghiêm trọng, trong ngày 11/10, chính quyền địa phương đã huy động người dân cùng với lực lượng Công an xã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Hải Đội 2 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế) gia cố kè tạm tại khu vực bờ biển này.
“Hiện tuyến bờ biển qua địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, nhất là sau cơn bão số 4 vừa qua. Ngoài đắp bờ kè tạm, về lâu dài, chính quyền địa phương và người dân rất mong các cấp và Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xây kè chắn sóng kiên cố tại các điểm sạt lở này”, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay.
Ông Trương Văn Giang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ đầu tư dự án kè chống sạt lở biển An Dương 1 cho biết, tại các điểm sạt lở ở thôn An Dương 1, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng thực hiện phương án gia cố tạm thời.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai đầu tư một số dự án như kè biển Thuận An (TP Huế); Phú Thuận (huyện Phú Vang); Giang Hải (huyện Phú Lộc). UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm bố trí vốn, huy động các nguồn lực để xây kè kiên cố tại nhiều đoạn bờ biển nhằm chống sạt lở.