Công an cảnh báo rủi ro khi chơi hụi
Thời gian qua, trên cả nước nói chung, Bình Thuận nói riêng có rất nhiều đường dây hụi bị vỡ gây mất an ninh trật tự địa phương, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi tham gia chơi hụi.
Bộ Công an cảnh báo người dân về rủi ro khi chơi hụi.
Chỉ cần lên trang công cụ tìm kiếm Google trên Internet gõ từ khóa “vỡ hụi”, chúng ta sẽ thấy cả nước có không ít vụ vỡ hụi mà báo chí đưa tin. Chỉ tính riêng trong năm nay, có không ít vụ vỡ hụi được đưa ra tòa xét xử với mức án cao, bên cạnh đó nhiều vụ vỡ hụi mới cũng liên tiếp xuất hiện. Điển hình ngày 11/10, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên án chủ hụi Nguyễn Thị Cẩm Nguyên mức án 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tương tự, 15/9 Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng tuyên phạt một phụ nữ tổ chức chơi hụi liên tỉnh rồi chiếm đoạt của nhiều hụi viên hơn 3 tỷ đồng, với mức án 16 năm tù.
Công an Bình Thuận cảnh báo người dân.
Giữa lúc các phiên tòa xét xử các chủ hụi thu hút người theo dõi, thì nhiều vụ khác liên tiếp xảy ra như cơn “bão hụi” càn quét ở các vùng quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai... khiến hàng ngàn người dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Tương tự, tại Bình Thuận thời gian gần đây cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, chủ yếu ở TP. Phan Thiết, với số tiền cũng lên tới hàng chục tỷ đồng. Hiện Công an TP. Phan Thiết đang phát lệnh truy tìm một chủ hụi với tên gọi Vân Mây, người đứng đầu đường dây hụi lớn đã bỏ trốn khỏi địa phương và nhận đơn tố cáo nhiều chủ hụi khác bỏ trốn, để làm rõ hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời đăng tải đưa ra cảnh báo về thực trạng vỡ hụi, trên cổng thông tin để người dân cảnh giác không tham gia chơi hụi hoặc cân nhắc trước khi tham gia. Chơi hụi là một hoạt động theo tập quán của người dân, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin, lợi ích và quy định pháp luật. Hoạt động này phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự để phòng ngừa các vi phạm, biến tướng của hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi.
Một trong những hụi viên ở một đường dây chơi hụi tại TP. Phan Thiết đau đớn khi hay tin chủ hụi "giật hụi".
Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi, thì cần báo cho chính quyền địa phương để nắm, giải quyết kịp thời.
Tuy vậy, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người dân tham gia. Bộ Công an đang cảnh báo người dân cảnh giác trước những rủi ro khi tham gia chơi hụi. Theo đó, Bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh, thành, trong đó Công an Bình Thuận khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hụi, như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng). Nắm rõ về điều kiện của chủ hụi, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ hụi, thành viên góp hụi quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường.
Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi để có thể đặt niềm tin khi góp hụi. Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây hụi định tham gia, có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có; lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi. Nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo cho UBND cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm.
Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi, thì cần báo cho chính quyền địa phương để nắm, giải quyết kịp thời.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cong-an-canh-bao-rui-ro-khi-choi-hui-114287.html