Công an chính quy ở Cù Lao Chàm
Gác lại niềm riêng, các cán bộ Công an xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam) vẫn ngày ngày vững vàng bám biển, bám đảo để giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT). Với họ, tự bao giờ đảo đã là nhà, vùng biển Cù Lao Chàm đã là quê hương.
Một ngày đầu thu, tranh thủ những tia nắng ráo cuối cùng trước khi bước vào mùa mưa bão ở “khúc ruột” miền Trung, chúng tôi đến bến Cửa Đại, TP Hội An để bắt tàu cao tốc ra với đảo tiền tiêu Cù Lao Chàm, cách đất liền 18 km. Sau khoảng 20 phút ngồi trên tàu cao tốc như đang lướt trên những ngọn sóng, trước mắt chúng tôi là đảo Cù Lao Chàm với một màu xanh bạt ngàn của núi rừng, của biển cả mênh mông...
Gác lại niềm riêng
Vì đã hẹn trước nên Trung tá Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Công an xã Tân Hiệp với dáng người rắn chắc, làn da sạm đen bởi nắng, gió trên đảo đã đợi sẵn tại cơ quan để đón tiếp chúng tôi. Niềm nở rót chén nước mời khách, Trung tá Nguyễn Văn Phúc bộc bạch: “Hôm nay anh ra đảo thời tiết khá thuận lợi đó, chứ chỉ cần vài ngày nữa, khi vào mùa mưa bão, biển động thì hết đi lại được luôn rồi”.
Nhìn ánh mắt tò mò của chúng tôi, anh lý giải thêm: “Bữa ni, theo quy định, cứ có gió từ cấp 5 trở lên thì tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Hơn nữa, thời tiết ngoài đảo cũng khác đất liền lắm. Trong đất liền có thể nắng ráo, lặng gió nhưng trên đảo thì có gió giật mạnh, biển động cũng không chừng, như thế thì việc đi lại cũng bị gián đoạn”.
Do thời tiết bất lợi và đặc thù ở đảo nên nhiều khi các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tân Hiệp phải ở lại trên đảo cả tháng mà không thể vào đất liền được. Trung úy Nguyễn Văn Lực, cán bộ Công an xã Tân Hiệp, quê ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội năm 2019, anh được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính Công an TP Hội An. Đến tháng 9/2020, anh được điều động ra nhận công tác tại xã đảo Tân Hiệp. Những ngày đầu mới ra đảo, với một chàng trai Đà thành thì mọi thứ còn rất bỡ ngỡ, từ nơi ăn, chốn ở cho đến người dân, phong tục tập quán địa phương và công việc ở cơ sở. Vợ chồng Trung úy Nguyễn Văn Lực có một cô con gái kháu khỉnh mới 15 tháng tuổi đang ở cùng ông bà nội tại Đà Nẵng. Nhiều đêm nhớ vợ, nhớ con, Trung úy Nguyễn Văn Lực chỉ có thể gọi video qua mạng xã hội cho vợ con để vơi bớt nỗi nhớ.
Do đặc thù là xã đảo nên trong mùa mưa bão, xã Tân Hiệp chịu tác động lớn của thiên tai. Trong bối cảnh đó, ngoài việc làm công tác chuyên môn, đảm bảo tình hình ANTT, lực lượng Công an xã đã nỗ lực bám sát địa bàn cơ sở để tham gia cùng các lực lượng khác như biên phòng, hải quân cùng giúp đỡ người dân phòng, chống thiên tai, chằng chống nhà cửa, di dời người dân đi sơ tán khỏi những vùng có nguy cơ cao. “Vào mùa mưa bão thì việc anh em ở lại cả tháng trên đảo là bình thường”, Trung tá Nguyễn Văn Phúc bày tỏ thêm.
Vì cách xa đất liền, hạ tầng y tế trên đảo còn thiếu thốn nên nhiều khi người dân bị bệnh, cần vào đất liền chữa trị gặp không ít khó khăn, nhất là lúc biển động. Với những tình huống như thế, Công an xã Tân Hiệp đã tham mưu UBND xã đề nghị phương tiện chuyên dụng để đưa người dân vào cơ sở y tế tại TP Hội An điều trị.
Trong lúc trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tân Hiệp, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy trong phòng làm việc của Công an xã có 2 chiếc tủ đứng dùng để chia căn phòng ra để phía trước dành làm nơi làm việc, phía sau nhỏ hơn được kê chiếc giường chỉ vừa cho một người nằm. Khi được hỏi về điều này, Trung tá Nguyễn Văn Phúc tâm sự, khi lực lượng Công an chính quy ra đảo, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện, song do cơ sở hạ tầng của xã còn hạn hẹp nên công an xã chỉ được bố trí 2 phòng làm việc và cũng là nơi ngủ, nghỉ. “Chúng tôi dùng tủ để ngăn phòng ra, kê chiếc giường vào cuối phòng làm nơi ngủ, nghỉ sau giờ làm việc. Mặc dù rất khó khăn về nơi ăn, chốn ở, nơi làm việc, song anh em chúng tôi đều động viên nhau luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Chúng tôi đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với lực lượng Công an xã ở các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Nam. Một điều dễ nhận thấy nhất với lực lượng Công an xã nói chung là sự vất vả, gặp nhiều thiếu thốn trong việc bám sát địa bàn cơ sở để đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương. Với Công an xã đảo Tân Hiệp thì những khó khăn còn mang tính đặc thù nơi đảo tiền tiêu. Không chỉ việc đi lại, nơi làm việc, sinh hoạt, mà với các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tân Hiệp thì việc ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn, may mắn khi có nhà người dân gần cơ quan nhận nấu giúp bữa trưa và bữa tối cho Công an xã, còn bữa sáng thì mọi người phải tự túc. Trung tá Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Lúc trời nắng ráo thì hàng quán nhiều, việc ăn sáng cũng thuận tiện, nhưng khi mưa gió nổi lên thì các hàng quán đóng cửa hết nên việc anh em chúng tôi ăn mì tôm cũng đã thành quen rồi”.
Đảo xanh - “Vùng xanh”
Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Tân Hiệp đã đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Từ đó, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch. Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009. Đây là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch không chỉ trong nước mà cả với du khách quốc tế mỗi khi đến Hội An. Điều dễ nhận thấy khi đặt chân lên đảo là bạt ngàn màu xanh của núi rừng hoang sơ, có hệ sinh thái phong phú. Do đó, lượng du khách đổ về Cù Lao Chàm rất đông. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Cù Lao Chàm đón khoảng 250.000 lượt du khách. Vào mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày xã đảo này đón từ 2.500-3.000 lượt khách.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch tại Cù Lao Chàm đã gây áp lực không nhỏ lên lực lượng công an xã trong việc đảm bảo ANTT. Vào mùa du lịch, công an xã phải tổ chức ứng trực để xử lý những tình huống phát sinh, phòng ngừa các tệ nạn như trộm cắp, móc túi. Bên cạnh đó, để đảm bảo tình hình ANTT, Công an xã Tân Hiệp đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia xây dựng, củng cố hoạt động của các mô hình tự quản về ANTT ở cơ sở, góp phần răn đe tội phạm, đảm bảo ANTT tại khu dân cư.
Trong đó, đáng chú ý có các mô hình hoạt động rất hiệu quả như mô hình “Đội xe thồ tự quản về ANTT” với hơn 70 thành viên. Đây là “cánh tay nối dài” của công an xã trong công tác đảm bảo ANTT. Mô hình “Camera an ninh”, “Tiếng loa ANTT và phòng cháy, chữa cháy” được phát lúc 6h hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh của xã... Nhờ công tác phòng ngừa, tuyên truyền, vận động thanh niên không sử dụng trái phép chất ma túy mà đến nay, xã đảo Tân Hiệp vẫn là “vùng xanh” về ma túy. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đảo Tân Hiệp không xảy ra tình trạng cướp, cướp giật tài sản.
Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp đánh giá rằng, từ khi lực lượng Công an chính quy được bố trí đảm nhận các chức danh công an xã, tình hình ANTT trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Bên cạnh công tác đảm bảo ANTT, lực lượng Công an xã chính quy cũng đã tham gia tuyến đầu trong phòng, chống dịch, phòng, chống thiên tai. “Cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao vai trò của lực lượng công an xã trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong mưa bão, lực lượng công an xã đã phát huy rất tốt vai trò tuyến đầu, vận động người dân ở vùng xung yếu di dời đến nơi an toàn”, ông An nhấn mạnh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-chinh-quy-o-cu-lao-cham-i712150/