Công an Đà Nẵng quyết liệt đấu tranh với tội phạm kinh tế
Đà Nẵng được xem là thủ phủ của miền Trung, cửa ngõ quan trọng trong hành lang kinh tế Đông-Tây. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về giao thương, những năm gần đây thị trường bất động sản (BĐS) của Đà Nẵng cũng khá sôi động, có thời điểm tạo thành những cơn 'sốt' đất kéo dài.
Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng cũng thực hiện các hành vi phi pháp nhằm trục lợi, gây mất ANTT, xâm phạm lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Trước tình hình đó, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh đấu tranh phòng ngừa, điều tra khám phá nhiều vụ án lớn…
Đại tá Võ Văn Lanh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng cho biết, tội phạm về kinh tế trên địa bàn diễn biến khá phức tạp. Nổi lên là tội phạm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động mua bán BĐS; tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm; tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Các đối tượng tội phạm thường lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước, sự mất cảnh giác và hiểu biết hạn chế của một bộ phận nhân dân để thực hiện hành vi trục lợi, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và nhiều hệ lụy khác. Cùng với việc xây dựng và tham mưu Giám đốc Công an TP ban hành các kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm này, đơn vị đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp để nắm chắc tình hình.
Công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm cũng được chú trọng đúng mức. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã đấu tranh, làm rõ hàng trăm vụ việc vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, điển hình vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP Đầu tư và phát triển Quảng Đà (trụ sở tại 155 Ngũ Hành Sơn) do Nguyễn Thị Bích Thuận làm Tổng Giám đốc.
Từ thông tin nhiều người dân đặt cọc giữ chỗ mua đất nền với số tiền lớn, nhưng quá thời hạn cam kết, doanh nghiệp vẫn không giao đất, giao “sổ đỏ”, đơn vị đã tiến hành điều tra phát hiện Công ty Quảng Đà lừa bán 121 lô đất mặt tiền nằm tại đường Đô Đốc Lân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Với thủ đoạn bán giá thấp hơn giá thị trường, Thuận đã chủ mưa lừa đảo tiền đặt cọc ít nhất từ 500 - 800 triệu đồng/khách; có một số trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Thực tế, dãy 121 lô đất ở đường Đô Đốc Lân thuộc dự án khu dân cư phía Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, được UBND TP Đà Nẵng giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng quản lý và chưa khai thác. Đáng nói, trong thời gian cơ quan Công an khởi tố vụ án để điều tra, Thuận và đồng bọn vẫn ngang nhiên tiếp tục rao bán đất cho nhiều người khác.
Để ngăn chặn hành hành vi phạm pháp của những đối tượng này, tháng 4-2019, cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Bích Thuận, sau đó tiếp tục bắt giữ thuộc cấp của Thuận là Hồ Thị Cẩm Uyên. Đồng thời, thông báo rộng rãi, giúp nhiều nạn nhân biết mình bị lừa và đến trình báo.
Kết quả điều tra cho thấy, số tiền các đối tượng đã thu được từ việc nhận cọc, lừa bán 121 lô đất là hơn 91,3 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã thu giữ một lượng lớn tiền mặt và tài sản có nguồn gốc từ phạm tội của các đối tượng với trị giá 55 tỷ đồng. Số tài sản này sẽ được sử dụng để giải quyết quyền lợi cho các bị hại, khi vụ án kết thúc.
Cùng thời gian trên, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Đà Nẵng còn phá thành công chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn GTGT do Nguyễn Thị Ngọc Thanh và Phạm Thị Mỹ Thơm cầm đầu. Cơ quan Công an xác định, các đối tượng trên lập doanh nghiệp để kinh doanh hóa đơn trái phép, xuất bán hơn 2.000 tờ hóa đơn GTGT cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, với tổng giá trị trên 145 tỷ đồng, thu lợi hơn 10 tỷ đồng.
Đây là vụ án mua bán hóa đơn GTGT lớn nhất bị phát hiện từ trước đến nay tại Đà Nẵng. Ngoài ra, còn điều tra, làm rõ một đường dây buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng qua cảng Tiên Sa trị giá 450 triệu đồng; khởi tố bắt giam một bị can về hành vi sản xuất, buôn bán bột ngọt, bột nêm giả khối lượng lớn; khởi tố 4 đối tượng có hành vi tham ô tài sản xảy ra tại Nhà máy sữa Đà Nẵng, khởi tố điều tra, làm rõ một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an Trung Quốc làm rõ một đường dây hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép qua mạng Internet, bắt giữ, bàn giao 35 đối tượng người Trung Quốc…
Cùng với công tác điều tra tội phạm, từ năm 2019 đến tháng 3-2020, đơn vị cũng tiếp nhận, xử lý hơn 220 vụ vi phạm hành chính; qua đó, đã xử phạt số tiền trên 2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trên 100 tỷ đồng gồm nhiều mặt hàng như ôtô, điện thoại di động, thuốc lá, rượu ngoại, quần áo, mỹ phẩm…
Theo Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, các loại tội phạm về kinh tế hoạt động khá tinh vi, nhưng không kém phần liều lĩnh, nhiều đối tượng có quan hệ rộng, đồng thời sẵn sàng mua chuộc lực lượng chức năng. Việc đấu tranh với loại tội phạm này, ngoài việc nắm chắc pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, lực lượng Công an phải vững vàng trước những áp lực, khó khăn, đặt biệt là vững vàng trước những cám dỗ vật chất.
Thời gian qua, CBCS Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP đã làm rất tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm theo lĩnh vực được phân công, giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ CAND, mưu trí đấu tranh với tội phạm đến cùng.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, tích cực tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ, tích cực tham gia công tác từ thiện - xã hội… Được biết, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng đang chuẩn bị đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong thời gian qua.