Công an đề xuất gắn thiết bị giám sát điện tử lên người chấp hành án tù treo
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ... được đề xuất theo dõi qua thiết bị điện tử.
Thiết bị định vị người bị theo dõi
Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) để thay thế Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Ngoài sửa đổi, bổ sung những quy định của luật cũ, điểm mới nhất của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là dành riêng một chương để quy định về giám sát điện tử.
Theo đó, lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất về những người bị giám sát điện tử. Họ gồm: Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; người chấp hành án treo; người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; người chấp hành án phạt quản chế; người chấp hành án phạt cấm cư trú.
Ngoài ra còn có người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; phạm nhân lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; phạm nhân được trích xuất và phân quyền quản trị.
Dự thảo nêu rõ, các đối tượng trên sẽ được gắn thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Thời gian giám sát điện tử bằng với thời gian chấp hành án, thời gian thử thách theo quyết định của tòa án.
Khi đi khỏi địa bàn cư trú, làm việc thì thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan, người quản lý. Việc giám sát thực hiện qua Trung tâm giám sát điện tử được thiết lập ở Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp quân khu, công an cấp huyện.
Hệ thống máy chủ giám sát điện tử đặt tại Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Về quy định ràng buộc, người đeo thiết bị giám sát đi khỏi nơi cư trú mà không được sự cho phép của cơ quan chức năng hoặc có hành vi phá hủy, tháo rời thiết bị khỏi cơ thể, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị sẽ có cảnh báo. Khi đó, cơ quan thi hành án hình sự phải kịp thời thông báo, trao đổi cho công an cấp xã, đơn vị quân đội đang giám sát đối tượng để kiểm tra, xác minh.
Nếu xác định người đó tự ý rời nơi cư trú, phá hủy, tháo rời, làm mất tác dụng của thiết bị giám sát từ xa mà không thuộc trường hợp theo quy định, thì công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao theo dõi người bị giám sát điện tử có trách nhiệm lập biên bản vi phạm và báo cáo UBND cấp xã hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
"Riêng đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo trong trường hợp này thì được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần thứ nhất", dự thảo đề xuất.
Trường hợp cố ý làm hư hỏng thiết bị giám này, thì tùy từng mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi nào được miễn giám sát điện tử?
Cũng theo dự thảo, các trường hợp đáng ra phải gắn thiết giám sát điện tử nhưng được miễn trong trường hợp: Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc không thể đi lại được và được cơ sở khám chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Hoặc có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cấp quân khu xác nhận; người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đang bị bệnh nặng.
Ban soạn thảo đánh giá, việc bổ sung những quy định mới trên nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; người được hoãn/tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; phạm nhân lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại khu lao động...
Qua đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019.