Công an Đồng Nai kết hợp Công an TP HCM khám xét Công ty Lộc Phúc
Ngoài dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an Đồng Nai còn đang mở rộng điều tra các dấu hiệu phạm tội khác tại Công ty Lộc Phúc.
Ngày 4-9, trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Đồng Nai, cho hay Công ty Lộc Phúc (trụ sở chính tại quận Tân Bình, TP HCM) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an đang điều tra những dấu hiệu của tội danh khác.
Công an cũng kêu gọi khách hàng là nạn nhân của công ty trên sớm trình báo.
Trước đó, nhiều nạn nhân ở Đồng Nai và TP HCM tố cáo tới Phòng CSHS về việc Công ty Lộc Phúc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn Đồng Nai. Giá một lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu nhưng chúng vẽ lên dự án rồi rao bán từ 2 tới 3 tỉ đồng.
Trước tính chất nghiêm trọng, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sáng 31-8, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an chia thành nhiều tổ công tác tiến vào khống chế, đưa Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty, cùng 185 người liên quan (trong đó, có 122 nhân viên, 20 đối tượng được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của Công ty) về trụ sở
Cùng lúc này, một tổ công tác khác đã phối hợp với Công an TP HCM tiến hành khám xét trụ sở công ty, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỉ đồng, 18 ngàn yên Nhật; 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng...
Làm việc với công an, các đối tượng khai vào giữa năm 2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu lừa đảo tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để đưa nạn nhân vào tròng, công ty tuyển mộ cả trăm sinh viên làm thêm, thực tập để đi chụp ảnh những căn nhà đẹp ở TP HCM rồi đăng lên website công ty và trang web Chợ tốt để giới thiệu bán.
Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà đã liên hệ công ty. Khi đó, bộ phận nhân viên cấp trên của những sinh viên sẽ liên lạc với mỗi khách hàng bằng 1 sim rác.
Khi khách hàng yêu cầu được đi xem nhà tại TP HCM thì sẽ được hẹn tới một quán cà phê đã định trước rồi đưa lên xe 52 chỗ chạy tới các "dự án ma" tại Đồng Nai.
Trên ô tô chúng đã thuê và bố trí sẵn những người thất nghiệp, lớn tuổi "diễn xuất tốt" làm AC (chân gỗ).
Số "chân gỗ" tiếp cận khách hàng trên xe giả làm người mua bất động sản để tạo sự gần gũi, đồng cảm, rồi lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia giao dịch.
Là nạn nhân, vợ chồng chị D.T.T.T (ngụ tại TP Thủ Đức TP HCM) kể mong muốn mua một căn nhà giá rẻ ở tại thành phố thì bị các đối tượng trong công ty chở xuống huyện Trảng Bom để xem đất dự án cùng với nhiều nạn nhân khác.
Khi phát hiện bị lừa, chị T. hỏi những người xung quanh (nhân viên và AC của công ty) đều khẳng định không bị lừa, còn khẳng định bản thân đã mua rồi. Sau đó, chúng dụ dỗ chị chuyển 100 triệu đồng để nhận phiếu ưu đãi, nói sẽ có người giới thiệu bán lại ngay cho người khác lấy 300 triệu.
Theo nạn nhân, mặc dù trong lòng không mong muốn, nhưng "nhân viên quá đông" và chị bị áp đặt phải làm theo.