Công an Hà Nam cảnh báo những thủ đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để phạm tội

Công an Hà Nam vừa thông báo khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an tỉnh Hà Nam, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra hết sức phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống tội phạm.

Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo, Công an tỉnh Hà Nam thông báo một số thủ đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích phạm tội phổ biến hiện nay.

Thứ nhất, sử dụng công nghệ AI để tạo ra các hình ảnh, video không có thật: Deepfake là công nghệ được các đối tượng chủ yếu sử dụng nhằm mục đích tạo ra các hình ảnh, video không có thật trong thời gian qua. Một số hành vi phạm tội sử dụng công nghệ Deepfake, cụ thể:

Truyền bá thông tin sai lệch, tin giả nhằm ảnh hưởng đến dư luận, gây bất ổn xã hội: Tội phạm sử dụng Deepfake tạo ra những tài liệu không có thật, như: Bài phát biểu, cuộc phỏng vấn hoặc sự kiện giả mạo liên quan đến chính trị gia, người nổi tiếng hoặc các cá nhân có ảnh hưởng khác với mục đích tác động đến dư luận, kích động bạo lực hoặc phá rối.

Làm tổn hại đến danh tiếng, uy tín hoặc tống tiền bằng cách mạo danh, bôi nhọ hình ảnh của cá nhân, tổ chức: Nạn nhân thường là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng hình ảnh trên mạng xã hội, thông qua Deepfake để tạo ra các hình ảnh, video có mặt của nạn nhân, chứa nội dung "nhạy cảm", không có thật hoặc mạo danh nạn nhân để thực hiện các hành vi không chuẩn mực, gây ảnh hưởng đến danh dự của tạn nhân, từ đó tống tiền nạn nhân.

Lừa đảo: Các đối tượng sử dụng Deepfake giả dạng cá nhân, tổ chức để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP để phá vỡ lớp bảo mật, sau đó chiếm đoạt tiền từ tài khoản của nạn nhân. Một số thủ đoạn bao gồm: Giả danh cơ quan chức năng để đe dọa nạn nhân: Các đối tượng giả mạo là cán bộ cơ quan nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...) gọi điện trực tuyến với nạn nhân, thông báo ghi nhận hình ảnh nạn nhân vi phạm pháp luật; lợi dụng tâm lý sợ hãi, không muốn bị mang tiếng xấu của nạn nhân để lừa đảo, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để giải quyết vụ việc; Giả mạo người thân của nạn nhân để lừa đảo: Tội phạm sử dụng Deepfake để tạo ra những video, hình ảnh giả là người thân của nạn nhân để tạo niềm tin của nhạn nhân, từ đó yêu cầu nạn nhân “giúp đỡ”, chuyển tiền vào số tài khoản “lạ” và chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Hà Nam khuyến cao người dân những thủ đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa, nguồn: naict.tttt.nghean.gov.vn)

Công an tỉnh Hà Nam khuyến cao người dân những thủ đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh họa, nguồn: naict.tttt.nghean.gov.vn)

Thứ hai, sử dụng AI tạo ra các mã độc, phần mềm độc hại nhằm mục đích tấn công mạng:

Phần mềm đánh cắp dữ liệu: Sau khi được cài đặt, các phần mềm đánh cắp dữ liệu yêu cầu người dùng cung cấp quyền truy cập hệ thống và đánh cắp thông tin như hình ảnh, danh bạ, tin nhắn, tài liệu được lưu trữ trên thiết bị di động, từ đó thực hiện các hành vi tấn công hệ thống an ninh mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tấn công hệ thống mạng: Tội phạm mạng đã nghiên cứu, phát triển các công cụ để thực hiện các cuộc tấn công hệ thống mạng như: Thực hiện việc “hack” hệ thống mạng không dây (Wifi) thông qua các cuộc tấn công hủy xác thực (de-authentication attacks).

Thứ ba, sử dụng AI để phạm tội trên thị trường tiền điện tử:

Kêu gọi đầu tư vào những dự án lừa đảo và lan truyền trên quy mô lớn: AI được sử dụng để tạo ra những hình ảnh, video quảng cáo xuất hiện người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để tăng uy tín; đồng thời, tạo ra nội dung quảng cáo không có thật, sau đó đăng tải lên mạng xã hội như: Tiktok, Facebook... nhằm củng cố niềm tin và kêu gọi người tham gia đầu tư vào các dự án tiền điện tử lừa đảo.

Tạo ra các đồng tiền điện tử lừa đảo liên quan đến AI và thao túng thị trường: các đối tượng sử dụng công nghệ AI tạo ra các đồng tiền điện tử lừa đảo một cách dễ dàng trên chuỗi khối (blockchain). Đồng thời tạo ra giao dịch ảo hoặc chênh lệch giá, từ đó đẩy giá tiền điện tử để thao túng thị trường.

Tạo ra các trang web giao dịch lừa đảo và chương trình tặng tiền điện tử: Các đối tượng tạo các ứng dụng trên nền tảng di động và website sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối mạo danh các tổ chức tài chính để lừa đảo qua hình thức kêu gọi, yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch dưới dạng phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ. Khi huy động đủ số tiền, các đối tượng sẽ điều chỉnh kết quả giao dịch một cách tinh vi hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng AI để tạo ra các chương trình tặng tiền điện tử miễn phí cho nhà đầu tư hoặc khuyến khích nhà đầu tư mua tiền điện tử sớm với giá hời và hứa hẹn giá trị tiền điện tử sẽ tăng rất nhiều lần sau khi phát hành trên các sàn giao dịch điện tử để củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Phát hiện lỗ hổng giao dịch để trục lợi: Lợi dụng việc hầu hết các giao dịch tiền điện tử phi tập trung sử dụng mã nguồn mở, có thể xem công khai hoạt động giao dịch và lưu trữ tài sản của nhà đầu tư, tội phạm đã sử dụng AI để phát hiện và khai thác các lỗ hồng giao dịch để đánh cắp tiền điện tử.

Để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-an-ha-nam-canh-bao-nhung-thu-doan-su-dung-tri-tue-nhan-tao-de-pham-toi-342085.html