Công an Hà Nội cảnh báo nhiều thủ đoạn mạo danh các cơ quan, lừa đảo người dân để trục lợi
Hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo mạo danh các cơ quan Nhà nước để trục lợi có nhiều diễn biến phức tạp. Người dân cần nâng cao cảnh giác vì các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Giả mạo cơ quan y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mới đây đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo giả mạo cơ quan y tế để chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 15/9/2023, Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của bà D tố giác về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 1,1 tỷ đồng bằng hình thức gọi điện thoại mua bán thuốc đông y và tham gia các chương trình thăm khám sức khỏe miễn phí. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khẩn trương điều tra và bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Tâm khai nhận đã thuê nhóm nhân viên để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong đó, Nguyễn Văn Quang là người quản lý tài khoản ngân hàng MBbank (số tài khoản 28829072004) mang tên Quang để nhận tiền lừa đảo. Tâm mua các loại thực phẩm chức năng có hỗ trợ về xương khớp và mất ngủ có giá 30.000 đồng/hộp; mua các loại điện thoại giá rẻ và nhiều SIM rác điện thoại không chính chủ để làm công cụ liên lạc; mua thông tin các số điện thoại của các bệnh nhân xương khớp, mất ngủ (gồm tên, tuổi, địa chỉ, loại thuốc xương khớp, mất ngủ đã mua, số tiền khách đã bỏ ra để mua thuốc…).
Sau đó, Tâm chạy quảng cáo và giao cho nhân viên gọi điện thoại giả danh bác sĩ, thanh tra sở y tế… lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán thuốc đông y và tham gia chương trình “những người uống thuốc đông y lâu năm sẽ được nhà nước chi trả 80% số tiền đã bỏ ra mua thuốc và được tặng 1 thẻ khám chữa bệnh miễn phí của các bệnh viện trung ương”.
Nếu bị hại đồng ý sẽ được “làm hồ sơ hỗ trợ thăm khám, gửi bưu phẩm là thuốc chữa bệnh xương khớp; khoảng 10 ngày sau hiệp hội thanh tra sẽ về thăm khám và chi trả 80% số tiền như đã hứa, yêu cầu bị hại phải đóng tiền tạm ứng làm hồ sơ từ 1.000.000-3.000.000 đồng tùy từng bị hại”.
Nguyễn Văn Quang sẽ đóng gói bưu phẩm gồm thuốc chữa bệnh xương khớp, thẻ bảo hành ghi tên khách hàng bên trên có đóng dấu tên màu đỏ mang tên Giám đốc Bùi Xuân Thuận; pháp lý Ngô Đức Nghĩa gửi cho bị hại để bị hại tin tưởng bằng dịch vụ COD (thu tiền hộ) của Viettel Post và thu từ 1.000.000-3.000.000 đồng của bị hại.
Khi bị hại tin tưởng, nhóm của Tâm sẽ tiếp tục đưa ra thông tin lừa đảo về việc “làm sổ thăm khám định kỳ, được cấp phát thuốc miễn phí, mỗi tháng nhà nước hỗ trợ 2.800.000 đồng trong vòng 5 năm” hoặc Nguyễn Văn Tâm sẽ gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là Nguyễn Minh Châu - Giám đốc Ngân hàng MBbank yêu cầu đóng tiền VAT và nhiều lý do khác nhau để bị hại tiếp tục chuyển tiền cho đến khi bị hại không còn khả năng đóng tiền hoặc phát hiện bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình thực hiện, Nguyễn Văn Tâm thống nhất với nhóm nhân viên nếu lừa đảo được khách dưới 100.000.000 đồng sẽ chia cho nhân viên 20% số tiền lừa đảo được. Nếu lừa đảo được khách trên 100.000.000 đồng, sẽ chia cho nhân viên 30% số tiền lừa đảo được.
Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Thủ đoạn lừa đảo giả mạo người của ủy ban nhân dân quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư
Liên quan đến hành vi giả mạo, mới đây, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã cảnh báo về việc xuất hiện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao giả mạo người của Ủy ban Nhân dân quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư.
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Mễ Trì, sáng ngày 18/11, trên địa bàn phường đã xuất hiện hình thức lừa đảo mới. Cụ thể, một công dân trên địa bàn phường nhận được điện thoại của người tự giới thiệu đang làm việc ở Nguyễn Cơ Thạch thông báo công dân bị sai lệch dữ liệu. Ban đầu người gọi điện thoại mời công dân ra đường Nguyễn Cơ Thạch để chỉnh sửa dữ liệu, nhưng sau đó gợi ý hướng dẫn từ xa để lừa đảo. “Tôi khẳng định dữ liệu dân cư của cư dân có hộ khẩu tại đây, chỉ Cảnh sát khu vực mới có thể chỉnh sửa” - Trung tá Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 17/11, anh T, trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã nhận được một cuộc điện thoại với nội dung tương tự. Người gọi điện thoại cho anh T tự xưng là Ngô Trung Kiên, cán bộ bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân phường Quỳnh Lôi.
Cơ quan công an đã khám phá nhiều vụ mua bán dữ liệu cá nhân, chặn "nguồn tài nguyên" để các đối tượng lừa đảo lợi dụng
Người tên Ngô Trung Kiên thông báo dữ liệu dân cư của anh T bị sai đề nghị ra bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân phường để chỉnh sửa. Người tên Kiên còn thể hiện mình là một cán bộ tốt, hướng dẫn cẩn thận và đưa ra lời khuyên với anh T “nên sớm ra bộ phận một cửa để chỉnh sửa dữ liệu, không ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch dân sự”.
Đáng chú ý, thông tin cá nhân mà “cán bộ bộ phận một cửa” như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi ở đều rất chính xác khiến anh T bán tín bán nghi.
Anh T sau đó đã trực tiếp liên lạc với Ủy ban nhân dân phường Quỳnh Lôi, được lãnh đạo phường xác nhận tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân phường không có người tên Ngô Trung Kiên.
Cũng với thủ đoạn liên quan đến cơ sở dữ liệu dân cư, anh Đ.T.T trú tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng bất ngờ nhận được thông báo của một người tự xưng là Cảnh sát khu vực Công an phường sở tại, cho biết anh T chưa đi làm căn cước công dân. Nghi ngờ người gọi điện thoại cho mình giả danh công an, anh T đã trình báo cơ quan chức năng.
Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Đường dây nóng thu phí cao giả mạo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội
Theo Công an thành phố Hà Nội, ghi nhận thực tế tại Hà Nội, nhiều cơ quan, các ngành Bảo hiểm Xã hội, Thuế, Tài nguyên Môi trường,... của thành phố Hà Nội đã bị một số đối tượng lợi dụng hình ảnh, thông tin, số điện thoại để trục lợi.
Ngày 23/11, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin phản ánh từ người dân, có một số điện thoại đường dây nóng (hotline) nhận tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thu cước phí cao và dễ làm người dân hiểu lầm đây là hotline của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Cụ thể bài viết của một văn phòng luật sư đưa các thông tin về cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội như ngày thành lập, chức năng, nhiệm vụ…, kèm trong bài viết có số hotline 1900.6568 với mô tả “Hotline Bảo hiểm xã hội tại Thành phố Hà Nội”, thu cước phí 8.000 đồng/phút.
Điều này sẽ khiến người đọc, người dân lầm tưởng đây là hotline của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ có một số hotline duy nhất là 1900.9068 với cước phí 1.000 đồng/phút và số hotline của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội là 024.37236555.
Ngoài ra, số hotline của Bảo hiểm xã hội 30 quận, huyện, thị xã được công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội với cước phí theo quy định của nhà mạng cung cấp dịch vụ.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân đọc kỹ các thông tin trên môi trường mạng, chỉ liên hệ tới các số điện thoại chính thống của cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc đến trực tiếp bộ phận Tiếp nhận Hồ sơ (một cửa) của Bảo hiểm xã hội thành phố và các quận, huyện, thị xã để được tư vấn, giải đáp.