Công an Hà Nội: Chặn, bắt 'tổ lái' tìm nhau đi 'bão' đêm
Một trong những 'điểm nhấn' quan trọng về tình hình an ninh, trật tự địa bàn Hà Nội các tháng đầu năm 2022 là sự yên ắng, bình lặng trở lại ở nhiều tuyến đường sau 21h. Vãn hiện tượng đám thanh niên mới lớn điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, giảm mạnh tình trạng tụ tập mang hung khí đi đánh nhau. Sự chuyển biến tích cực ấy, khởi phát từ sự thay đổi chiến thuật của lực lượng 141, cụ thể hóa mệnh lệnh của Ban Giám đốc CATP Hà Nội: Kiên quyết xử lý 'nạn' lạng lách, đua xe trái phép.
Giải tỏa những bất ổn
Chớm khuya 19-3, Trực ban hình sự CAQ Hà Đông nhận được tin báo về việc tại tuyến đường trước cổng khu đô thị (KĐT) Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, có 2 nhóm thanh niên dùng hung khí và chai thủy tinh đánh nhau. Lập tức, các tổ tuần tra đêm của liên quân đội nghiệp vụ và công an các phường của Hà Đông triển khai phương án vây chặn.
Thực hiện chỉ đạo của CATP, trong nhiều đêm CAQ Hà Đông đã thành lập các tổ công tác đặc biệt mặc thường phục, triển khai tuần tra trên các trục đường chính, KĐT trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là phát hiện sớm, xử lý nhanh, bắt triệt để các đối tượng có biểu hiện tụ tập bằng xe máy, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự công cộng. Khi tổ công tác đầu tiên của CAQ Hà Đông đến hiện trường đã có ít nhất 2 người bị thương, 1 trường hợp phải nhập viện cấp cứu.
Một mặt bảo vệ hiện trường, một mặt phong tỏa, bao vây chặt các tuyến đường xung quanh KĐT Đô Nghĩa, từ 23h ngày 19-3 đến rạng sáng 20-3, gần 10 đối tượng liên quan đến vụ ẩu đả đã bị CAQ Hà Đông bắt giữ. Đến ngày 22-3, tổng cộng 30 đối tượng đã bị cơ quan công an xác định có hành vi phạm tội, ra quyết định tạm giữ hình sự. Nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa 2 nhóm thanh thiếu niên. Và tối 19-3, khoảng 40 đối tượng của 2 nhóm đã tụ tập, điều khiển xe máy và mang theo hung khí tìm nhau để “giải quyết”.
Khi chạm trán ở KĐT Đô Nghĩa, các đối tượng dùng vỏ chai thủy tinh ném nhau, dùng hung khí tự chế dọa nhau và cuối cùng là lao vào đâm chém. Phần lớn các đối tượng ở độ tuổi sinh sau năm 2000, một số ít còn ngồi trên ghế nhà trường. Những người dân ở khu vực KĐT Đô Nghĩa nhìn nhận, nếu đêm ấy không có các chiến sỹ công an, chắc chắn con số đối tượng bị thương không chỉ dừng ở 2 người. Thậm chí, hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra, bởi những hung khí có độ sát thương cao, cộng với những cái đầu với suy nghĩ nông cạn còn chưa cảm nhận được sự trừng phạt của pháp luật.
Chiến thuật linh hoạt, phát huy hiệu quả phòng ngừa
Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) CATP Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, các đơn vị nghiệp vụ triển khai 2 phương án chặn, bắt đua xe và xử lý các đối tượng điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng tại khu vực đường Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Trần Hưng Đạo (thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm) và tuyến Võ Chí Công (thuộc địa bàn quận Tây Hồ). Sau đó, tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, nhưng vẫn còn các đối tượng đi xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga. Cho đến dịp giáp Tết và sau Tết Nguyên đán, tình trạng trên có nhiều diễn biến phức tạp trở lại.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 141, ngày 9-3-2022, Phòng CSGT đã chủ trì, họp bàn với Phòng CSHS, Trung đoàn CSCĐ, thống nhất báo cáo, tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo 141 tổ chức cho các Tổ công tác 141 hóa trang tuần tra trên các địa bàn thường xuyên diễn ra tình trạng trên, nhằm phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm, bàn giao về công an phường sở tại để điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý. Theo kế hoạch, lực lượng hóa trang tập trung các tuyến thường xuyên diễn ra tình trạng các đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, mang theo vũ khí tham gia giao thông, gây rối trật tự công cộng. Khi phát hiện đối tượng vi phạm thì sẽ ghi hình, theo dõi, dừng phương tiện, đưa đối tượng về công an phường gần nhất để bàn giao và giải quyết.
Chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên thay đổi chiến thuật, các tổ công tác 141 đã bắt giữ 226 phương tiện, 443 đối tượng, đồng thời phát hiện 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về ANTT bàn giao cho công an các phường để điều tra, giải quyết theo quy định. Sự quyết liệt, bài bản của lực lượng làm nhiệm vụ đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tuyên truyền mạnh mẽ để nhiều người dân biết, đồng tình, ủng hộ. Từ đó, lên án các hành vi vi phạm, tạo hiệu quả răn đe, phòng ngừa xã hội. Theo ghi nhận, tình trạng vi phạm trên địa bàn nội thành đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Các đối tượng điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng ít xuất hiện và hoạt động nhỏ lẻ, không theo nhóm, đoàn như trước.
Chặn từ gốc của vấn đề
“Không hài lòng với kết quả bước đầu” - đó là quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo 141 CATP Hà Nội, bởi thực tế, nguy cơ tái xuất hiện những trận “bão đêm” vẫn còn nếu địa bàn, tuyến đường phố nào đó buông lơi nhiệm vụ kiểm soát. Ban Giám đốc CATP đã quán triệt Phòng CSHS tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ trì tham mưu thực hiện Quyết định số 1875/QĐ-CAHN-PC02 ngày 8-6-2021 của Giám đốc CATP ban hành chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; chủ động nắm tình hình, tham mưu cho Ban Giám đốc CATP huy động các đơn vị, lực lượng liên quan tham gia thực hiện công tác phòng, chống đua xe trái phép.
Cùng với đó, Phòng CSGT phải chủ động tiếp tục linh hoạt bố trí các Tổ công tác 141 thực hiện các phương án bố trí lực lượng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; phối hợp Phòng CSHS trong công tác hóa trang, trinh sát để triển khai các phương án phòng chống đua xe trái phép đảm bảo quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Ban chỉ đạo 141 CATP cũng đã chỉ rõ yêu cầu phát huy vai trò của Trung tâm Thông tin chỉ huy CATP trong công tác chỉ huy, điều hành, kết nối, huy động các đơn vị tham gia công tác phòng chống đua xe, triển khai các phương án bắt giữ các đối tượng điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng; tạo sức mạnh đồng bộ từ CATP đến các cấp cơ sở...
Những biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ mà Công an Hà Nội đã và đang triển khai là hết sức cấp thiết, cần thiết, nhưng sẽ là chưa đủ nếu thiếu sự quản lý, giáo dục ngay từ cơ sở, từ mỗi gia đình. Có 149/443 đối tượng bị xử lý trong tuần đầu tiên ở độ tuổi từ dưới 16 đến dưới 18. Theo quy định pháp luật, khi tiến hành lập biên bản xử lý cơ quan chức năng sẽ yêu cầu sự giám hộ của người thân đối tượng. Nhưng khá nhiều đối tượng tuyệt nhiên không hề thấy bố mẹ, người thân đến tìm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng CAQ Hà Đông chia sẻ: “Sau vụ việc tối 19-3 trên địa bàn, khi được CQĐT mời đến làm việc, nhiều ông bố bà mẹ thốt lên: “Các anh cứ đánh đi. Đánh chúng nó thật đau vào, vì chúng tôi không dạy bảo được nữa rồi”. Gia đình bất lực, bố mẹ bất lực, và có lẽ nhiều cấp cơ sở, đoàn hội cũng đã buông bỏ những đứa trẻ hư này. Đây là một “bài toán”, một thực tế rất cần có sự đánh giá kỹ, trách nhiệm, để từng bước điều chỉnh, hóa giải. Không thể cứ để tồn tại mãi tình trạng đám con trẻ ra đường với những cuộc “đối đầu” hết sức nguy hiểm hàng đêm trong sự bất lực của người lớn.