Công an Hà Nội lật tẩy những chiêu trò, thủ đoạn đối phó tinh vi của tội phạm
'Tội phạm hình sự sau khi gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị Cơ quan công an phát hiện, lập tức trình ra 'bệnh án tâm thần' để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án, thậm chí liên tiếp gây án...' - Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội cho biết hiện tượng trên đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
Thực tế công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, trong khi gây án các đối tượng không có biểu hiện tâm thần, nhưng sau khi gây án xong lại có biểu hiện tâm thần. Khi làm việc với cơ quan công an, đối tượng, gia đình, hoặc luật sư lại giao nộp bệnh án tâm thần và yêu cầu được đi giám định tâm thần. Giám định xong, đa phần đều có kết luận trong khi gây án và thời điểm giám định bị hạn chế hoặc bị mất năng lực điều khiển hành vi, vì vậy cơ quan công an bắt buộc phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Sau khi được trả tự do, các đối tượng này tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận...
Dùng bệnh án tâm thần để “chạy tội”
Điển hình như vụ án môi giới, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Băng nhóm tội phạm do Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”) là đối tượng hình sự nổi ở quận Hai Bà Trưng, cùng đồng bọn dùng dao đâm chém Băng nhóm tội phạm do Đỗ Hoàng Hiệp tức (Hiệp “Máu”) cầm đầu trên đường phố… Hậu quả Đỗ Hoàng Hiệp bị thương tích 47%, Vũ Thành Long bị thương tích 19%, Nguyễn Hữu Thọ 03%, tổng thương tích là 69%.
Sau khi gây án, Tùng bỏ trốn và khi bị bắt giữ, đối tượng này đã trình hồ sơ bị tâm thần cho Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội. Hồ sơ bệnh án nội trú do Bệnh viện tâm thần Trung ương I cấp ngày 21/12/2017...
Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội xác định hồ sơ bệnh án tâm thần do gia đình Tùng cung cấp có dấu hiệu nghi vấn làm giả, nên Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thu thập tài liệu, chứng cứ điều tra làm rõ.
Quá trình điều tra xác định khoảng tháng 11/2017, Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1984, ở thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) nhận lời một người phụ nữ nhờ “chạy” bệnh án tâm thần cho Lê Thanh Tùng tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I - Bộ Y tế.
Sau đó, Sơn đưa Tùng đến gặp Thân Thái Phong (SN 1977, ở Tập thể Bệnh viện tâm thần Trung ương I, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội; Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi, Bệnh viên Tâm thần Trung ương I) đưa cho Phong số tiền 85 triệu đồng để “chạy” bệnh án tâm thần cho Tùng.
Thân Thái Phong đồng ý và lập hồ sơ bệnh án nội trú giả cho Lê Thanh Tùng dù Tùng không mắc bệnh tâm thần và không có quá trình theo dõi, điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I như nội dung bệnh án nội trú phản ánh. Cơ quan CSĐT - CATP đã tiến hành xác minh, điều tra làm rõ toàn bộ nội dung vụ án và đề nghị truy tố 3 bị can gồm Thân Thái Phong, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Tuấn Sơn lần lượt với các tội danh “Nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ”...
Không bỏ lọt tội phạm
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, rút kinh nghiệm từ vụ án trên, CATP Hà Nội đã giao phòng nghiệp vụ tiếp tục điều tra mở rộng, rà soát xác minh đối với một số hồ sơ vụ án có dấu hiệu nghi vấn làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
Qua theo dõi từ năm 2015 đến nay, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra 84 Quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với 84 vụ/84 bị can phạm các tội “Giết người, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vận chuyển trái phép chất ma túy, Không tố giác tội phạm, Trộm cắp tài sản, Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị số nhằm chiếm đoạt tài sản, và các tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật, Cưỡng đoạt tài sản, Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ trái phép chất ma túy, Hủy hoại tài sản, Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Chống người thi hành công vụ, Sản xuất hàng giả, Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo đó, CATP đã rà soát thống kê có 223 vụ án liên quan đến người mắc bệnh tâm thần gồm: Bị can, bị cáo xuất trình bệnh án đủ căn cứ giám định pháp y tâm thần; Bị can, bị cáo xuất trình bệnh án không đủ căn cứ giám định; Người liên quan đến vụ án có bệnh án tâm thần; Đối tượng trong diện quản lý ở địa phương có bệnh án tâm thần…
“Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã rà soát, xác minh toàn bộ những hồ sơ vụ việc, vụ án có đối tượng, bị can có hồ sơ bệnh án tâm thần và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, cũng như phối hợp với các Cục chức năng của Bộ Công an tiến hành kiểm tra toàn bộ các hồ sơ trên. Các vụ án do Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội thụ lý, điều tra đã thực hiện tốt quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về Trưng cầu giám định pháp y tâm thần, đa số các Quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đã nêu được đầy đủ nội dung trong yêu cầu giám định về tình trạng tâm thần của người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm trước, trong khi gây án và bệnh tâm thần hiện tại” - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội khẳng định và cho biết đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là vụ án giết người thuộc thẩm quyền điều tra của CATP Hà Nội, Cơ quan điều tra đã thực hiện tốt các quy trình, thủ tục tố tụng hình sự trong công tác giám định pháp y tâm thần, đề nghị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc và khi ra Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án, bị can viện dẫn đúng căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Qua việc kiểm tra, rà soát trên và qua việc truy tố, xét xử đã góp phần phát hiện các sơ hở, thiếu sót của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tiếp nhận, khám, chữa bệnh, theo dõi, quản lý các đối tượng mắc bệnh tâm thần liên quan đến vụ án hình sự, đồng thời tiếp tục cảnh báo, răn đe các đối tượng tội phạm đang có ý định làm giả bệnh án tâm thần trốn tránh trách nhiệm hình sự sớm từ bỏ ý định này.
Hiện CATP đang tiếp tục kiểm tra rà soát các vụ án có liên quan đến người mắc bệnh tâm thần, nếu phát hiện dấu hiệu làm giả bệnh án sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bài học kinh nghiệm
Cũng theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, qua đấu tranh và theo dõi hoạt động tội phạm liên quan đến hành vi làm giả bệnh án tâm thần trốn tránh trách nhiệm hình sự, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo phải điều trị nội trú, trong trường hợp điều trị ngoại trú thì thời gian áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không được trừ vào thời hạn thi hành án.
Đối với các đối tượng điều trị ngoại trú cần thiết phải thông báo cho Cơ quan điều tra thụ lý, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú để có biện pháp quản lý, không để đối tượng lợi dụng việc điều trị ngoại trú gây ra các tội phạm khác.
Trong quá trình điều tra các vụ án, Cơ quan điều tra các cấp phải thẩm định, xác minh kỹ các hồ sơ bệnh án tâm thần của đối tượng phạm tội, đồng thời tiến hành tổ chức rà soát toàn bộ các trường hợp bị can, bị cáo đã xuất trình bệnh án tâm thần trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhưng không có trong danh sách người bị tâm thần do Trung tâm y tế cấp xã, phường quản lý để chủ động phát hiện các trường hợp làm giả bệnh án tâm thần.
Cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa Cơ quan Công an và các trung tâm chữa bệnh bắt buộc thuộc Bộ Y tế, để rút gọn quá trình tiếp nhận khám, giám định tư pháp các đối tượng có biểu hiện tâm thần và quản lý các trường hợp bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc tránh xảy ra tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn khỏi cơ sở chữa bệnh bắt buộc, hoặc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khác trong quá trình điều trị ngoại trú.
Cùng với đó, kiến nghị Bộ Y tế sắp xếp các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh có chức năng cấp sổ khám bệnh, bệnh án tâm thần để làm căn cứ nghi vấn sức khỏe tâm thần của bị can, bị cáo; thành lập các trung tâm có chức năng giám định sơ bộ xác định dấu hiệu nghi vấn về khả năng nhận thức hành vi của đối tượng làm căn cứ trưng cầu giám định tâm thần; tập huấn nâng cao ý thức trách nhiệm của các y bác sỹ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thăm khám, điều trị các bệnh tâm thần kinh tránh để các đối tượng lợi dụng lôi kéo làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý các đối tượng phạm tội hình sự.
Mặt khác, Bộ Y tế thành lập hệ thống quản lý các đối tượng đã từng được theo dõi, điều trị bệnh tâm thần, có sự thống nhất cao trong thực hiện các biện pháp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Các đối tượng đã được theo dõi, điều trị bệnh tâm thần tại các bệnh viện, trung tâm, cơ sở thuộc Bộ Y tế phải được thông báo đến cơ sở y tế cấp địa phương để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc điều trị.
Cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm, có hành vi lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh pháp luật rất quan trọng, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: "CATP Hà Nội đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 thành phố kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế và các Bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy định về giám định tâm thần đảm bảo nhanh gọn, trung thực nhất, khách quan nhất để xử lý đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Đề nghị lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế thành lập cơ quan giám định tâm thần trực thuộc Bộ Công an và xây dựng Quy chế phối hợp giữa Cơ quan Công an và các trung tâm chữa bệnh bắt buộc thuộc Bộ Y tế để rút gọn quá trình tiếp nhận khám, giám định tư pháp và ra kết luận giám định phục vụ quá trình điều tra, truy tố và xét xử".