Công an Hà Nội: Mức xử phạt mới là để thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực, với mức xử phạt tăng mạnh cho các hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng.
Ngày 27/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 sẽ chính thức thay thế Nghị định 100 trước đây, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc tăng cường trật tự an toàn giao thông.
Nghị định 168 tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Điển hình như: Vượt đèn đỏ: Mức phạt mới lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô, 6 triệu đồng đối với xe máy, tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ; Lùi xe trên cao tốc: Hành vi nguy hiểm này có thể bị phạt đến 40 triệu đồng; Dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc: Mức phạt mới lên đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe chính thức được áp dụng. Mỗi bằng lái có 12 điểm, nếu bị trừ hết, người vi phạm sẽ phải thi lại lý thuyết sau 6 tháng để được phục hồi.
Về vấn đề này, qua trao đổi nhanh với phóng viên báo Tin tức, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông.
Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, góp phần khẳng định hình ảnh một Thủ đô hiện đại, kỷ cương và đáng sống.
Trước đó, để chuẩn bị một cách chu đáo, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tham khảo nhiều nước trên thế giới đồng thời có đánh giá cụ thể tình hình giao thông tại Việt Nam để từ đó tìm ra phương án phù hợp nhất, tạo được sự răn đe, phòng ngừa, tuyên truyền đến từng người dân nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, cơ quan chức năng không nhằm vào xử phạt người dân mà cốt lõi ở đây là để tạo ra sự răn đe từ sớm đến những người có ý định vi phạm phải nhớ rằng các hành vi như vậy sẽ bị xử lý rất nặng để từ đó thay đổi suy nghĩ, có ý thức tuân thủ luật giao thông.
Trên thực tế, ý thức tham gia giao thông của người dân đã nâng cao rất nhiều nhưng vẫn tồn tại một bộ phận có hành vi lệch chuẩn khi tham gia giao thông, cố tình vi phạm gây nguy hiểm không cho chính mình mà còn cả những người xung quanh.
Hiện Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn. Cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy định, xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm: "Không vùng cấm, không ngoại lệ".