Công an Hà Nội tuyên truyền nồng độ cồn ngay từ quán nhậu
Thực tế cho thấy một bộ phận người dân vẫn chủ quan rằng uống chút bia rượu 'vẫn lái xe được'. Do đó, bên cạnh việc tuần tra, Công an Hà Nội chủ động tiếp cận ngay tại quán nhậu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giảm thiểu vi phạm.
Tối 23/7, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Công an phường Thanh Xuân tuyên truyền kết hợp kiểm soát tại các quán nhậu trên tuyến Vũ Trọng Phụng – Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Tuân. Đây là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bia rượu.
Trước khi bắt đầu tuần tra, cán bộ chiến sĩ dán tờ rơi, áp phích về mức phạt do vi phạm nồng độ cồn ở các khu vực “nhạy cảm” như quầy thanh toán, bãi xe, bàn. Lực lượng chức năng chủ động vào tận bàn nhậu để phát tờ rơi và tuyên truyền về nguy cơ, hậu quả khi lái xe sau khi uống rượu bia, đồng thời vận động khách nhậu chủ động gửi xe và gọi taxi, xe ôm công nghệ về nhà an toàn .
Video phóng viên ghi nhận tại địa bàn Đội CSGT số 7:
Anh Nguyễn Quang Dương, quản lý một quán bia ở Thanh Xuân cho biết, bản thân rất ủng hộ sáng kiến này. Quán đã sẵn sàng bố trí nhân viên giữ xe cho khách đã uống bia rượu và hỗ trợ khách gọi phương tiện về nhà .
Khách hàng như anh Dương Trí Đức (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận cho biết bản thân sẽ “gửi lại xe đi xe ôm về nhà” sau khi thấy các biển thông báo được dán ngay trong khuôn viên quán.
Sau khi hoàn thành công tác tuyên truyền tại các điểm kinh doanh, lực lượng CSGT đã triển khai chốt kiểm soát tại các nút giao trọng yếu xung quanh khu vực. Các tổ kiểm tra thực hiện đo nồng độ cồn đối với người điều khiển oto, xe máy lưu thông gần quán . Trong đêm cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện 11 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Một số trường hợp vi phạm điển hình như: Anh T.V.Q (sinh năm 1987, trú tại Hà Đông) điều khiển xe máy với nồng độ cồn 0,42 mg/l khí thở. Lái xe L.N.H (sinh năm 1991, trú tại Thanh Trì) lái ô tô với nồng độ cồn 0,26 mg/l khí...
Mọi cá nhân vi phạm đều bị tổ công tác lập biên bản xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2024 – xử lý nghiêm bao gồm phạt tiền cao, tước giấy phép lái xe và trừ điểm trên giấy phép lái xe.
Trung tá Nguyễn Đức Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7 cho biết, trong tháng vừa qua, đơn vị đã xử lý 299 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên số lượng và mức độ vi phạm đang có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lái xe đã chấp hành tốt quy định. Chỉ còn một bộ phận nhỏ cố tình lái xe sau khi uống rượu bia.
Chiến dịch tuyên truyền bằng áp phích, tờ rơi cùng hỗ trợ gọi xe hộ, giữ xe an toàn bắt đầu từ Thanh Xuân đang được nhân rộng ra nhiều địa phương khác như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Điển hình như đội CSGT số 6 đã thực hiện dán hàng trăm áp phích “Đã uống rượu bia – không lái xe” tại 100 quán nhậu trên địa bàn.
Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025 lực lượng chức năng đã xử lý 136.412 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 30.486 phương tiện; tước giấy phép lái xe đối với 7.441 trường hợp.
Trong đó có 23.504 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 11.884 vi phạm tốc độ, 30.049 vi phạm mũ bảo hiểm... Kế hoạch tuyên truyền kết hợp với xử phạt được xác định là “gốc” để thay đổi ý thức, từ đó giảm vụ tai nạn do rượu bia. Mô hình này đặt trách nhiệm cả lên vai người kinh doanh. Nhiều quán bia, nhà hàng đã cam kết không phục vụ khách say lái xe, thậm chí giữ chìa khóa xe hoặc gọi xe đưa về – theo kinh nghiệm từ nước ngoài.
Việc dán áp phích nơi dễ nhìn đã tạo ra cảnh “cưỡng chế ý thức” cho người mua bia rượu. Nhờ đó, nhiều khách nhìn thấy ngay mức phạt nặng, cảnh báo sức khỏe, lập tức thay đổi kế hoạch ra về và chủ động gọi xe ôm hoặc taxi. Không chỉ dừng lại ở các địa điểm nhậu, chiến dịch tuyên truyền được đưa vào nhà hàng, khu chung cư và các cửa ngõ giao thông, du lịch lớn – nhằm bao phủ toàn bộ tầng lớp người dân Hà Nội.

Lãnh đạo Đội CSGT số 7 quán triệt kế hoạch tuyên truyền mới đến các cán bộ, chiến sĩ.

Dán tờ rơi, áp phích được coi là 'biện pháp mềm' chặn ma men ngay từ quán nhậu.

Đội CSGT số 7 phối hợp với Công an phường Thanh Xuân tuyên truyền kết hợp kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng bia, rượu.

Thông báo mức phạt vi phạm nồng độ cồn được in rõ ràng, chi tiết.

Lực lượng CSGT đã dán nhiều bảng tuyên truyền tại những vị trí dễ thấy trong quán nhậu.

Khách nhậu vui vẻ chụp ảnh với tờ rơi tuyên truyền, thể hiện sự đồng tình với chiến dịch.

Chủ quán bia ký cam kết phối hợp không phục vụ rượu bia cho khách có ý định lái xe sau cuộc nhậu.


Song song với công tác tuyên truyền, Đội CSGT số 7 vẫn duy trì các tổ kiểm soát.

Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện trong tối cùng ngày.


Trong một tháng vừa qua, Đội CSGT đã xử lý 299 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Với hướng tiếp cận “tại nguồn” ở quán nhậu, phương pháp tuyên truyền – kiểm soát của Công an Hà Nội đang chứng tỏ hiệu quả bước đầu rõ nét, bước đầu thay đổi nhận thức ngay trước khi lái xe. Việc bám sát khách hàng ngay tại quán đã khiến nhiều người tự giác gửi xe, không đánh cược mạng sống tức thời.
Để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả, lực lượng chức năng cần tăng cường nhân lực, vật lực;
cần thêm nhiều cán bộ tuyên truyền, áp phích, nhân sự hỗ trợ giữ xe, liên kết với taxi, xe ôm công nghệ đưa đón khách. Không chỉ các quán bia bình dân, mà cả nhà hàng tiệc cưới, khu du lịch, lễ hội cũng cần được hỗ trợ tuyên truyền; xây dựng quy chế, thỏa thuận giữa CSGT và chủ quán – như giữ chìa khóa, báo cho CSGT khi khách quy định vi phạm... có thể tăng hiệu quả giáo dục.
Chiến dịch tuyên truyền nồng độ cồn tại các quán nhậu của Công an Hà Nội không chỉ là hoạt động tuyên truyền “cứng” theo kiểu gắn áp phích, mà còn là nỗ lực nhân văn: Nâng cao ý thức, hỗ trợ phương tiện về nhà, giảm tai nạn giao thông. Khi được triển khai đồng bộ, có bài bản và nhân rộng trên toàn thành phố, chiến dịch hứa hẹn góp phần tích cực xây dựng văn hóa giao thông mới cho Hà Nội – mạnh mẽ, nhưng tử tế; nghiêm túc, nhưng đầy nhân văn.