Công an Hà Tĩnh đánh mạnh tội phạm 'tín dụng đen'

Trong những năm gần đây, mặc dù lực lượng Công an các cấp đã tập trung đánh mạnh, mở nhiều đợt cao điểm để truy quét song tội phạm trong lĩnh vực cho vay lãi nặng, 'tín dụng đen' trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn tìm mọi cách để hoạt động, núp bóng dưới nhiều chiêu thức khác nhau để tồn tại, gây không ít hệ lụy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT. Để trấn áp, Công an Hà Tĩnh tiếp tục mở đợt cao điểm tấn công, truy quét trên địa bàn toàn tỉnh.

Cuối tháng 3/2023, việc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Công an huyện Đức Thọ, Công an thị xã Hồng Lĩnh, Công an huyện Cẩm Xuyên huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ, đồng loạt tấn công bắt, khám xét khẩn cấp 3 đối tượng, gồm: Phan Công Sáng (SN 1980) và Đặng Quang Nam (SN 1990), cùng trú tại thôn Quang Chiêm, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ; Đặng Thế Khánh (SN 1999), trú tại thôn Yên Bình, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" đã khiến dư luận trên địa bàn hết sức phấn khởi.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh làm việc với đối tượng (thứ hai từ trái sang) hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh làm việc với đối tượng (thứ hai từ trái sang) hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

Bởi đây là những đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây cho vay lãi nặng hoạt động trong thời gian dài, gây mất ANTT trên địa bàn khiến dư luận hết sức bức xúc. Tính từ khi hoạt động vào năm 2016 đến nay, núp dưới vỏ bọc của một công ty tài chính, nhóm đối tượng này đã thực hiện gần 1.000 lượt cho vay, tổng số tiền cho vay hơn 19 tỷ đồng.

Theo đó, là đối tượng cộm cán, có nhiều mối quan hệ với các đối tượng xã hội trên địa bàn, năm 2016 Phan Công Sáng cùng một số đối tượng hình sự góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại dịch vụ Núi Hồng, hoạt động trên địa bàn huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Núp bóng doanh nghiệp, Sáng đã tổ chức hoạt động trên lĩnh vực tài chính, cầm đồ. Sáng đã sử dụng hơn 10 đối tượng hình sự để quản lý các cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính. Các đối tượng được sử dụng đa số là các đối tượng hình sự, có tiền án, tiền sự, sẵn sàng vi phạm pháp luật để phục vụ việc "đòi nợ", thanh toán, mở rộng địa bàn hoạt động.

Để đối phó khi lực lượng Công an tăng cường đấu tranh, triệt phá nhiều cơ sở cầm đồ hoạt động cho vay nặng lãi, các đối tượng đã giải thể công ty tài chính nhưng lại đứng ra thành lập các cơ sở kinh doanh có điều kiện, mở ốt "cầm đồ uy tín" cho vay lãi nặng với lãi suất dao động từ 3.000 đồng/triệu/ngày đến 5.000 đồng/triệu/ngày, sử dụng tài khoản trên ứng dụng mecash để quản lý hoạt động cho vay.

Ngoài việc thực hiện gần 1.000 lượt cho vay, tổng số tiền cho vay là 19,1 tỷ đồng trong thời gian hoạt động, Phan Công Sáng cùng đàn em còn gây ra nhiều vụ việc liên quan đến ANTT gây hậu quả nghiêm trọng khiến Cơ quan CSĐT đã phải 3 lần ra quyết định khởi tố đối với 16 đối tượng về các hành vi "Giết người", "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng"; "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý làm hư hỏng tài sản".

Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đấu tranh, triệt xóa trong thời gian vừa qua. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 129 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có đăng ký kinh doanh đang hoạt động. Trong số này, có 19 cơ sở với 28 đối tượng có tiền án, tiền sự về các hành vi cố ý gây thương tích, giết người, cho vay lãi nặng… tiềm ẩn nguy cơ lớn về ANTT.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 103 đối tượng hoạt động cho vay trong nhân dân không đăng ký thuộc diện nghi vấn hoạt động "tín dụng đen", trong đó có 40 đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự về các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cố ý gây thương tích và xâm hại sức khỏe người khác. Cùng với đó, qua rà soát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn có một bộ phận người dân lao động, cán bộ, công chức đang có hoạt động vay tiền trên các ứng dụng (app), các website cho vay trên Internet để phục vụ mục đích cá nhân.

Xuất phát từ tâm lý của người vay tiền, lo sợ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày nên nhóm đối tượng này thường không trình báo các cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả xảy ra khi không trả tiền đúng thời gian cam kết. Song, hoạt động vay tiền trên các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố được 32 vụ với 63 bị can về các tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Mặc dù vậy, hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây mất ANTT và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi và khu vực tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, trường học.

Trước thực trạng này, để ngăn chặn tội phạm hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen", cho vay lãi nặng và những hệ lụy phát sinh cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, thực hiện Công điện 766/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 452-KH-BCA-VP của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Công an Hà Tĩnh đã tiến hành mở đợt cao điểm để đấu tranh với loại tội phạm này.

Với quyết tâm truy quét "sạch" tệ nạn này, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu Ban chỉ đạo 138 tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn với việc thực hiện tốt nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương. Trong đó, tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" và các hoạt động liên quan đến đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.

Cùng với đó, lực lượng Công an cũng sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, phương thức vay vốn tiêu dùng từ tổ chức tín dụng như: cho vay trực tuyến, cho vay tín chấp trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư… các phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" để nâng cao tinh thần, ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân, không rơi vào "bẫy" của tội phạm.

Công an Hà Tĩnh sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực, nhất là khu vực ở nông thôn, miền núi, khu công nghiệp và trên không gian mạng; phát hiện những biến tướng của hoạt động "tín dụng đen" trên từng lĩnh vực để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/cong-an-ha-tinh-danh-manh-toi-pham-tin-dung-den-i710417/