Công an khuyến cáo người dân sau vụ Phó Đức Nam lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng
Để bảo vệ tài sản của mình, Công an khuyến cáo người dân không tin vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao vì đây là dấu hiệu rõ ràng của các vụ lừa đảo. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo thường cam kết lợi nhuận 'khủng' trong thời gian ngắn mà không có bất kỳ cơ sở nào chứng minh tính khả thi của các khoản đầu tư…
Ngày 12/12, Công an quận Tân Phú (TPHCM) vừa phát đi thông tin khuyến cáo người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips, 30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng khiến hàng nghìn người dân bị mất trắng tài sản.
Cơ quan công an nhận định, đây là một lời cảnh tỉnh về những mối nguy hiểm khi tham gia các hoạt động đầu tư trực tuyến. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019, các đối tượng lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, nhóm đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc đẩy nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.
Để bảo vệ tài sản của mình, Công an quận Tân Phú khuyến cáo người dân không tin vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao vì đây là dấu hiệu rõ ràng của các vụ lừa đảo. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo thường cam kết lợi nhuận "khủng" trong thời gian ngắn mà không có bất kỳ cơ sở nào chứng minh tính khả thi của các khoản đầu tư.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch lừa đảo không có giấy phép hoạt động rõ ràng, lợi nhuận hứa hẹn quá cao và thường yêu cầu nạp tiền liên tục. Khi người dân đầu tư bị thua lỗ, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để "gỡ gạc".
“Người dân tuyệt đối không tin vào các lời mời đầu tư có lợi nhuận ‘khủng’ từ các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, không chia sẻ thông tin tài chính, thông tin cá nhân với bất kỳ ai”, đại diện Công an quận Tân Phú khuyến cáo.
Nếu người dân hoặc có người thân có tham gia vào các sàn giao dịch này và gặp phải dấu hiệu lừa đảo thì trình báo đến cơ quan công an để được hỗ trợ.
Trước đó, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc. Trong đó, Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips, SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 29 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm”, “Rửa tiền”, "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
26 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 3 bị can về tội “Rửa tiền”; 1 bị can tội “Không tố giác tội phạm”; 1 bị can tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Ngoài "ông trùm" Phó Đức Nam đã bị bắt giữ, một đồng phạm khác trong vụ án là Lê Khắc Ngọ (Tiktoker Mr Hunter, SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Khi đường dây lừa đảo trên bị triệt phá, đối tượng Ngọ đã bỏ trốn.
Hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò cầm đầu cùng Phó Đức Nam.
Đến nay, Cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 mô tô hạng sang; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản...