Công an nhân dân khắc ghi lời dặn 'Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất'
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, từ lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 'Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất', có thể khẳng định: Danh dự của người cán bộ, chiến sỹ công an luôn gắn chặt với danh dự của lực lượng CAND.
Chiều nay (12/4), tại Hà Nội, Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm khoa học Công an nhân dân khắc ghi lời căn dặn "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Tọa đàm.
"Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật thông tin, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Từ rất sớm, Người đã răn dạy về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải biết giữ "thanh danh của Đảng" và "danh giá của mình".
Người khẳng định, "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Do đó, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng không chỉ có lý luận tiên phong dẫn đường, là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, cùng tầm nhìn xa đối với các vấn đề xây dựng Đảng, trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng và danh dự của người cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư nhấn mạnh, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ liêm sỉ và danh dự; hãy khắc cốt ghi tâm: "Lời thề trước Đảng - Hãy giữ danh thơm tiếng tốt", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Tham luận tại Tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, lời căn dặn đấy hàm ý là đối với lực lượng Công an nhân dân ta “danh dự đặc biệt là thiêng liêng, là cao quý”. Bởi vì, đó không chỉ là danh dự của cá nhân từng cán bộ, chiến sỹ mà đó là danh dự được sự ủy thác của đất nước, của dân tộc. Người chiến sỹ Công an nhân dân ngoài lòng tự trọng, thanh danh, phẩm giá của mình gánh trên vai sứ mệnh, sự ủy thác của đất nước, của nhân dân.
TS. Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, thực hiện tốt điều này Công an nhân dân phải tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải luôn giữ vững bản lĩnh, liêm chính, thường xuyên "tự soi", "tự sửa", không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến, sao cho xứng đáng với danh dự, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của,Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Vì vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới toàn lực lượng Công an nhân dân. TS. Nguyễn Đức Hà cho rằng, lực lượng công an cần khắc cốt ghi tâm những chỉ đạo quan trọng và lời căn dặn tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư. Quyết tâm thực hiện thật tốt Sáu Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lá chắn vững chắc, là thanh bảo kiếm sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ,vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”.
Phát huy lời dặn, nhiều vụ án tham nhũng lớn được triệt phá
Từ việc triển khai, thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, tham luận tại tọa đàm Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thông tin, Cục C03 đã kết hợp với đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đổi mới, tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp công tác cụ thể, thiết thực, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã thu được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, số vụ việc vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được phát hiện, điều tra, xử lý tăng dần theo từng năm và trên hầu hết các địa phương trong cả nước.
Công tác điều tra tạo được sự chuyển biến tích cực và dấu ấn đậm nét, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm, khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lớn, phức tạp.
Chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố, điều tra 20.898 vụ án/27.133 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; kết luận điều tra 14.153 vụ/17.809 bị can.
Công tác thu hồi tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án ngày càng được nâng lên; số tài sản thu hồi, kê biên ngày càng lớn, chiếm tỷ lệ cao so với thiệt hại xảy ra.
Trong 5 năm, lực lượng cảnh sát kinh tế đã thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đạt trên 493.636 tỉ đồng (riêng vụ Vạn Thịnh Phát đã thu hồi số tiền lên đến 394.400 tỉ đồng).
Đặc biệt, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi chỉ đạo luôn được đảm bảo tiến độ, xử lý nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành đánh giá cao và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
Các vụ án lớn, điển hình được khởi tố, điều tra thời gian qua liên quan đến hoạt động đấu giá, đấu thầu, các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục…. đều phát huy tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”
Cũng từ thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động dự báo, đánh giá tình hình, những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội và công tác phòng, chống tội phạm; những sở hở, thiếu sót về chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế để rút ra những vấn đề cập tập trung tham mưu đề xuất, kiến nghị các ngành, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, từ lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể khẳng định: Danh dự của người cán bộ, chiến sỹ công an luôn gắn chặt với danh dự của lực lượng CAND. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND phải luôn đề cao ý thức bảo vệ danh dự cá nhân cũng như bảo vệ danh dự của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an. Mỗi lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, việc làm của cán bộ, chiến sỹ phải coi Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là kim chỉ nam và phải hướng tới 4 chuẩn mực, đó là: chuẩn mực chính trị; chuẩn mực pháp luật; chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực văn hóa. Từ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải xác định rõ và nhận thức đúng đắn về “danh dự”, vững vàng đối mặt với những khó khăn, cám dỗ, âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm để luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy phẩm chất cao quý của người Công an.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, ngành công an cần tiếp tục nghiên cứu, đưa nội dung thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” cùng với chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024: CAND gương mẫu, đi đầu học tập, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hố Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính”. Triển khai thực hiện hiệu quả 3 nội dung cốt lõi là: “học tập”, “quyết tâm thực hiện, làm theo” và “gương mẫu, đi đầu” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Chú trọng phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, lãnh đạo và người đứng đầu theo tinh thần “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị, mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND cần phát huy truyền thống, lấy lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh, đề cao danh dự, lòng tự trọng; thực hiện thật tốt 5 lời thề, 10 điều kỷ luật, điều lệnh và quy tắc ứng xử trong CAND. Tuyên truyền sâu rộng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo để tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an có chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” trong toàn lực lượng CAND.